Để đảm bảo tài chính bền vững cho HIV/AIDS

Sống khỏe mạnh - 05/14/2024

Để làm tốt công tác phòng chống đại dịch HIV/AIDS, Việt Nam cần có kế hoạch về chuyển đổi tài chính chi tiêu.

Báo cáo 'Vận động để đảm bảo tài chính bền vững cho HIV/AIDS ở các quốc gia ASEAN' của bà Nafsiah Mboi - Chủ tịch Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét - cho thấy đầu tư trong nước của Việt Nam cho phòng chống HIV/AIDS chỉ đứng thứ 7 trong tổng số 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tỷ trọng 17% trong tổng kinh phí phòng chống HIV/AIDS.

Theo bản báo cáo trên, đứng đầu là Singapore và Brunei với tỷ trọng đầu tư trong nước chiếm 100%, tiếp đến là Malaysia với 97%, Thái Lan với 85%, Philippines với 51%, Indonesia là 42% trong tổng kinh phí phòng chống HIV/AIDS.

Trong khi đó, các yếu tố lây nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam đang biến đổi phức tạp, khó kiểm soát với việc xuất hiện các yếu tố lây nhiễm mới như ma túy tổng hợp, mại dâm nam, tình dục đồng giới nam… Vì vậy, theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, Việt Nam cần có những chiến lược và giải pháp kịp thời.

Nói về kế hoạch đầu tư chiến lược, ông Prasada Rao - Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp quốc về phòng chống AIDS tại châu Á-Thái Bình Dương nhận định các nước ASEAN và Việt Nam cần có kế hoạch về chuyển đổi tài chính chi tiêu.

Theo ông Prasada Rao, đối với trường hợp các nước thu nhập thấp, con đường đi tới sẽ là tăng cường sử dụng các nguồn lực của quốc gia, các nước có thể xây dựng 'kế hoạch chuyển đổi tài chính chi tiêu'.

Để đảm bảo tài chính bền vững cho HIV/AIDS

Vận động để đảm bảo tài chính bền vững cho HIV/AIDS (Ảnh minh họa: Internet)

Để cuộc chiến phòng chống HIV của các nước thành công, các nguồn lực phải hướng trực tiếp tới các cộng đồng – nơi con vi-rút này đang hoành hành – chứ không phải rải ra toàn quốc.

Ông Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết, sau năm 2015 có thể không còn chương trình mục tiêu quốc gia riêng cho phòng, chống HIV/AIDS, nhưng Nhà nước cần có cơ chế tài chính mới để tiếp tục đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS, như thông qua chi thường xuyên hoặc các hình thức đầu tư phù hợp khác.

Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng hai đề án trình trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để đảm bảo điều trị ARV cho người nhiễm HIV và đảm bảo thuốc Methadone trong điều trị cho những người nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Đặc biệt, để bớt gánh nặng chi trả cho bệnh nhân HIV thì bảo hiểm y tế trong thời gian tới sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS, nhất là trong chi trả các chi phí điều trị ARV, điều trị nhiễm trùng cơ hội và các xét nghiệm liên quan đến HIV/AIDS…; huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước cho phòng, chống HIV/AIDS…

Ông Long cũng cho hay, Bộ Y tế cũng đang tiếp tục kêu gọi các nguồn lực từ các nhà tài trợ quốc tế; thuyết phục các nhà tài trợ để kéo dài thêm thời gian tài trợ cho Việt Nam đến khi ngân sách trong nước đảm bảo cho phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh các nhà tài trợ hiện đang hỗ trợ, tiếp tục vận động thêm các nhà tài trợ mới như ASEAN và các đối tác như APEC... Theo đại diện của Bộ Y tế, bên cạnh huy động các nguồn lực cần phải sử dụng các nguồn tài chính hiện có một cách hiệu quả nhất bằng cách tập trung nguồn lực vào các địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS để tăng hiệu quả hoạt động./.

>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh HIV/AIDS

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!