Để không bị chặt chém khi đi du lịch

Vui khỏe - 05/06/2024

Chặt chém khu du lịch, lễ hội có vẻ như đã là điều hiển nhiên. Biết vậy nhưng bạn vẫn cảm thấy ấm ức nếu rơi vào tình trạng này.

'Tôi là thổ địa vùng này đấy!'

Hãy chứng tỏ mình là người bản địa thay vì là khách du lịch ở nơi khác mới đến. Bạn càng thể hiện mình có hiểu biết, thân thiện, tự nhiên như một người dân bản xứ bao nhiêu thì càng tránh khỏi nạn chặt chém dành cho du khách.

Tìm hiểu kỹ càng về lịch sử, văn hóa, những nét đặc trưng vùng miền, thậm chí học nói tiếng địa phương cũng là một 'thử thách' thú vị dành cho bạn.

Ngoài ra, ghi nhớ các tuyến đường trung tâm, những điểm đến nổi bật và khoảng cách di chuyển sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng bị 'làm giá' khi sử dụng phương tiện đi lại.

Khi đến bất cứ vùng đến nào mới, bạn chưa hiểu rõ mọi điều về nó nhưng cần phải thể hiện bản lĩnh cứng rắn, cương nghị. Như vậy sẽ giúp bạn không bị người khác 'dắt mũi' thì mới tránh bị 'bắt nạt'.

Để không bị chặt chém khi đi du lịch

Nạn 'chặt chém' luôn là ác mộng của mọi du khách (Ảnh minh họa: Internet)

Tìm hiểu và thỏa thuận giá cả dịch vụ

Bạn có thể dễ dàng tra cứu giá cả hàng hóa và dịch vụ của các khu du lịch bằng nhiều tiện ích trên điện thoại thông minh hoặc máy tính cá nhân. Đồng thời đưa ra những so sánh, đánh giá lựa chọn tốt nhất.

Đối với những du khách đi riêng lẻ, trước khi mua bán, ăn uống, sử dụng hay xem ngắm đồ ở vùng du lịch cần mặc cả, hỏi rõ về chi phí. Như vậy để tránh tình trạng bị đưa vào tình huống 'sự đã rồi' sẽ mất một khoản tiền lớn vì bị ép giá. Hãy hỏi rõ: 'Cái này bao nhiêu tiền?', 'Chụp ảnh cùng bức tượng này có mất tiền không?', hãy rút kinh nghiệm từ bài học xương máu từ những người đi trước nhé!

Không sử dụng các dịch vụ trung gian

Để không bị chặt chém khi đi du lịch

Đừng nghe lời mời chào dai dẳng của người bán hàng rong (Ảnh: Vnexpress)

Bất kì điểm tham quan, du lịch nào cũng có một lực lượng 'cò mồi', dẫn dắt khách đến các điểm ăn uống, vui chơi để nhận hoa hồng từ chủ dịch vụ. Thông qua môi giới trung gian khiến bạn bị mất một khoản chi phí  'oan uổng'. Vì vậy, đừng dại dột để những lời mời chào, chèo kéo của 'cò' thuyết phục. Hãy dứt khoát nói 'Không' với 'cò'.

Mua đặc sản tại làng nghề địa phương

Trong chuyến du lịch, bạn hãy ghé vào các làng nghề địa phương để mua sắm các món đồ lưu niệm và tìm mua các sản vật tươi ngon. Khi mua tận gốc hàng hóa giá cả bao giờ cũng rẻ hơn, đồng thời bạn có cơ hội tìm hiểu về cách làm ra những món hàng độc đáo.

Mua hàng tại các trung tâm mua sắm trong khu du lịch thường khá đắt đỏ. Đồng thời, nếu bạn không phải người sành mua bán thì có thể mua phải hàng chất lượng không đảm bảo.

Để không bị chặt chém khi đi du lịch

Hãy hỏi kỹ giá cả trước khi xem hoặc mua đồ (Ảnh: Afamily)

Kết bạn với người dân địa phương

Mỗi chuyến đi du lịch luôn là cơ hội để có thể kết thêm nhiều bạn mới. Nếu không muốn bị mua hàng 'hớ', hãy làm thân với người dân địa phương. Họ sẽ giúp bạn biết giá trị thật của món hàng hoặc giúp bạn mặc cả. Ngoài ra, những người bạn mới này còn có thể cung cấp cho bạn những thông tin về nguồn gốc hoặc ý nghĩa của các món đồ bạn muốn mua.

Học hỏi kinh nghiệm

Các diễn dàn về du lịch nói riêng và trang mạng xã hội nói chung đều có thể chia sẻ cho bạn những kinh nghiệm quý báu để tránh bị 'chặt chém' khi đến một điểm du lịch nào đó. Bạn cần tránh xa những 'điểm đen' lịch sử hoặc học một vài 'bí kíp' để ứng phó trong tình huống bị dân bản xứ 'ép giá'.

Thanh Lê

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!