Đề phòng sốc trong sản khoa

Mang thai - 11/24/2024

Khi đối diện trước một trường hợp sản phụ bị sốc sản khoa, việc xử trí tích cực lúc ban đầu rất quan trọng nhằm cấp cứu sản phụ thoát qua khỏi cơn nguy kịch.

Trong thực hành lâm sàng, sốc sản khoa là một hiện tượng suy sụp tuần hoàn do nhiều nguyên nhân khác nhau làm giảm hoặc ngừng cung cấp máu và oxy đến nuôi dưỡng các cơ quan, đặc biệt là các cơ quan trọng yếu của cơ thể như tim, phổi, não. Có thể nói sốc sản khoa là tình trạng nguy hiểm đòi hỏi bác sĩ cũng như nhân viên y tế phải có thái độ xử trí kịp thời và tích cực mới có khả năng cứu sống được sản phụ.

Biểu hiện lâm sàng của sốc sản khoa cần được lưu ý phát hiện đối với sản phụ đến sinh đẻ hoặc khám chữa bệnh với các dấu hiệu như: mạch nhanh nhỏ với mạch thường nhanh trên 110 lần mỗi phút, có khi mạch không đều, mạch ngoại biên không bắt được; huyết áp tụt với huyết áp tối đa dưới 90mmHg và huyết áp tối thiểu dưới 60mmHg; da xanh tái ở quanh môi, mi mắt và lòng bàn tay; vã nhiều mồ hôi; tay chân lạnh do tình trạng co mạch ngoại vi; nhịp thở nhanh và nông với nhịp thở thường trên 30 lần mỗi phút; có trạng thái lơ mơ, vật vã hoặc hôn mê; bị thiểu niệu hoặc vô niệu...

Tuy vậy, tùy theo từng nguyên nhân gây sốc mà sản phụ có biểu hiện triệu chứng lâm sàng khác nhau.

Xử trí can thiệp điều trị ban đầu

Cần lưu ý khi đối diện trước một trường hợp sản phụ bị sốc sản khoa, việc xử trí tích cực lúc ban đầu rất quan trọng nhằm cấp cứu sản phụ thoát qua khỏi cơn nguy kịch. Phải kêu gọi mọi người đến hỗ trợ, giúp đỡ và cùng cấp cứu sản phụ. Kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn như mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ.

Bảo đảm sự thông thoáng đường thở bằng cách cho sản phụ nằm ở tư thế đầu ngửa thấp hoặc quay về một bên nếu sản phụ nôn mửa. Hút đờm dãi nếu sản phụ tiết nhiều đờm dãi và cho thở oxy qua mũi với tốc độ 6 - 8 lít mỗi phút; tại tuyến y tế xã, phường, thị trấn nếu không có bình oxy có thể cho người bệnh thở oxy qua túi đựng oxy, tốt nhất nên cho oxy đi qua một bình chứa nước để đảm bảo đủ độ ẩm.

Bù khối lượng tuần hoàn bằng truyền tĩnh mạch tốc độ nhanh dung dịch đẳng trương như Ringer lactat, không nên dùng các dung dịch đường để bồi phụ lại khối lượng tuần hoàn; trong trường hợp nguy cấp cần lập nhiều đường truyền cùng một lúc; tốc độ truyền có thể thực hiện tới 1 lít dung dịch trong vòng 15 - 20 phút, lưu ý trong giờ đầu tiên phải truyền được khoảng 2 lít dung dịch; cố gắng bồi phụ dung dịch với tốc độ nhanh trong trường hợp sốc do chảy máu, khối lượng dung dịch bù vào cần gấp 2 - 3 lần khối lượng máu đã mất.

Trong trường hợp sản phụ bị băng huyết phải bằng mọi cách cầm máu ngay lập tức và nên cân nhắc việc truyền máu cho sản phụ; việc quyết định có truyền máu hay không chủ yếu căn cứ vào biểu hiện triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm hemoglobin dưới 50g/lít. Nên tiến hành xét nghiệm thử máu ngay tại giường bệnh và không nên di chuyển sản phụ. Phải kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn của sản phụ cứ mỗi 15 phút một lần.

Thực hiện các xét nghiệm về công thức máu, chức năng gan, chức năng thận, các yếu tố đông máu... để theo dõi. Trong trường hợp sốc nhiễm khuẩn cần cấy máu, cấy sản dịch tìm nguyên nhân gây bệnh; sau đó sử dụng ngay kháng sinh phổ rộng và kết hợp kháng sinh, khi đã có kháng sinh đồ thì dùng thuốc theo kết quả của kháng sinh đồ.

Đề phòng sốc trong sản khoa

Ảnh minh họa

Xử trí can thiệp điều trị theo nguyên nhân gây sốc

Sau khi điều trị ban đầu. sản phụ đã ổn định tình hình thì nên tiến hành xác định nguyên nhân gây sốc như sốc do mất máu hay sốc do nhiễm khuẩn và nhiễm độc để can thiệp điều trị phù hợp.

Trong sản khoa, sốc thường gặp là sốc do mất máu

Nếu sốc do mất máu, phải xác định nguyên nhân chảy máu và xử trí cầm máu ngay lập tức. Sản phụ có thể chảy máu do sẩy thai, sảy thai trứng hoặc do thai ngoài tử cung bị vỡ. Cũng có thể chảy máu trong những tháng cuối thời kỳ thai nghén hay trong chuyển dạ như nhau tiền đạo, nhau bong non, vỡ tử cung, sang chấn đường sinh dục sau đẻ hay đờ tử cung gây băng huyết. Trong các trường hợp này phải nhanh chóng xử trí bằng thuốc hoặc bằng thủ thuật hay phẫu thuật để cầm máu. Phải truyền máu càng sớm càng tốt để bù đắp lại khối lượng tuần hoàn đã mất.

Ở tuyến y tế xã, phường, thị trấn cần gọi tuyến trên để được hỗ trợ, giúp đỡ và huy động tất cả nhân viên y tế sẵn có tập trung chống sốc cho sản phụ; đồng thời tư vấn, giải thích cho gia đình sản phụ và chuyển ngay sản phụ lên tuyến trên với nhân viên y tế đi kèm theo; lưu ý phải truyền dung dịch, thông tiểu cho sản phụ trong khi chờ chuyển lên tuyến trên và trên đường chuyển tuyến.

Ở tuyến y tế quận, huyện, thị xã, thành phố cần bồi phụ đủ thể tích máu đã mất bằng cách truyền máu nếu có điều kiện hoặc dung dịch thay thế như Ringer lactat, huyết thanh mặn 0,9%; cho sản phụ thở oxy; dùng thuốc trợ tim mạch như Dopamin truyền tĩnh mạch với ống 50mg, liều khởi đầu là dưới 5 mcg/kg cân nặng mỗi phút rồi tăng dần liều lượng có thể tới 20mcg/kg cân nặng mỗiphút; chống rối loạn đông máu bằng cách dùng các thuốc chống tiêu fibrine và các chế phẩm máu; phát hiện và điều trị nguyên nhân gây chảy máu; ở tuyến y tế quận, huyện, thị xã, thành phố nếu trong quá trình xử trí mà tình trạng sản phụ có biểu hiện nặng thêm thì cần chuyển lên tuyến tỉnh hoặc mời tuyến tỉnh đến hỗ trợ, giúp đỡ.

Nếu sốc do nhiễm khuẩn và nhiễm độc; ở tuyến y tế xã, phường, thị trấn cần tiêm bắp thịt kháng sinh phối hợp liều cao; có thể sử dụng Ampicillin 1g và Gentamycin 160mg; hồi sức tích cực ban đầu và chuyển sản phụ lên tuyến trên.

Ở tuyến y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trở lên cần xử trí bằng cách cho sản phụ thở oxy, truyền dung dịch, sử dụng thuốc trợ tim, dùng kháng sinh liều cao phối hợp và nên điều trị theo kết quả xét nghiệm kháng sinh đồ; có thể sử dụng corticoid kèm theo; đồng thời xử trí nguyên nhân gây nhiễm khuẩn như dẫn lưu ổ mủ, loại bỏ ổ nhiễm khuẩn như cắt bỏ tử cung...; ở tuyến y tế quận, huyện, thị xã, thành phố nếu thấy tình trạng bệnh nhân có biểu hiện nặng thêm thì cần chuyển sản phụ lên tuyến tỉnh hoặc mời tuyến tỉnh đến hỗ trợ, giúp đỡ.

Đánh giá lại sau điều trị

Sau khi đã xử trí điều trị tích cực trong khoảng 30 phút, cần đánh giá lại xem sản phụ có đáp ứng với việc điều trị với các nội dung gồm: mạch, huyết áp có ổn định hay không với biểu hiện mạch dần chậm lại, huyết áp tăng lên. Tình trạng tri giác của sản phụ được cải thiện tốt hơn, sản phụ tỉnh táo lại hoặc bớt lú lẫn. Lượng nước tiểu cũng cải thiện với biểu hiện lượng nước tiểu trên 30ml mỗi giờ); theo dõi lượng dịch đưa vào và lượng dịch thải ra của cơ thể.

Nếu tình trạng sản phụ được cải thiện thì tiếp tục điều trị duy trì, nâng huyết áp, cân bằng lượng nước vào và ra, đồng thời điều trị nguyên nhân gây sốc. Nếu tình trạng người bệnh không được cải thiện thì phải tiếp tục điều trị tích cực, tiếp tục truyền dung dịch; tiếp tục theo dõi truyền dịch. Thực hiện các xét nghiệm cần thiết để tiên lượng và chẩn đoán nguyên nhân. Tiến hành xử trí theo nguyên nhân, lưu ý có thể xem xét cắt bỏ tử cung trong trường hợp sốc do nhiễm khuẩn hậu sản.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!