Bạn được khuyến khích cho bé bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu. Khi bé được sáu tháng tuổi, bạn có thể bắt đầu thêm các loại thực phẩm rắn vào bữa ăn của bé.
Trẻ sơ sinh có phản xạ đẩy lưỡi nên bé sẽ dùng lưỡi đẩy muỗng hoặc bất cứ thứ gì khác bạn đưa vào miệng bé, bao gồm cả thực phẩm. Vì vậy, bạn nên chờ cho đến khi phản xạ này không còn nữa, khi bé khoảng 4-5 tháng tuổi, thì mới bắt đầu giúp bé tặp ăn dặm. Hãy trao đổi với bác sĩ nhi khoa khi bé được bốn tháng tuổi để xác định thời điểm có thể cho bé ăn dặm nhé.
Làm thế nào để bắt đầu cho bé ăn dặm?
Khi quyết định bắt đầu cho bé ăn các loại thực phẩm rắn, bạn có thể lựa chọn loại thức ăn nào phù hợp cho cả bạn và bé. Khi lớn hơn, bé sẽ muốn ăn cùng với các thành viên khác trong gia đình. Để giảm thiểu nguy cơ bé bị mắc nghẹn, hãy giữ cho bé ở tư thế ngồi thẳng đứng khi bạn cho bé ăn thực phẩm rắn. Nếu bé khóc và quay đi khi bạn đút thức ăn thì bạn cũng đừng cố ép bé. Điều quan trọng hơn là cả mẹ và bé thưởng thức bữa ăn cùng nhau hơn thay vì nhất định phải cho bé ăn bằng được. Hãy cho bé bú lại trong vòng một hoặc hai tuần rồi mới thử cho bé ăn lại.
Để bắt đầu cho bé ăn thực phẩm rắn, bạn có thể cho bé bú một ít sữa mẹ trước tiên, sau đó cho bé ăn nửa muỗng nhỏ thức ăn, sau đó lại cho bé bú sữa mẹ nhiều hơn chút. Cách này sẽ giúp bé không quá hụt hẫng trong khi đang rất đói và hỗ trợ bạn cho bé ăn dễ dàng hơn.
Ban đầu, dù bạn có làm cách nào thì hầu như bé nào cũng sẽ đẩy thức ăn ra ngoài. Do đó, bạn nên tăng lượng thức ăn từ từ, bắt đầu chỉ nên là 1-2 muỗng cà phê cho đến khi bé học được cách nuốt các thực phẩm rắn.
Bạn chỉ nên cho bé thử ăn một loại thực phẩm mới mỗi lần ăn rồi đổi loại thực phẩm khác sau ít nhất 3-5 ngày. Sau mỗi lần cho bé thử ăn thức ăn mới, bạn hãy theo dõi các dấu hiệu như tiêu chảy, phát ban hoặc nôn mửa. Nếu một trong các dấu hiệu trên xảy ra với bé, hãy loại bỏ các thực phẩm trong chế độ ăn uống của bé mà bạn nghi ngờ là nguyên nhân cho đến khi tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa.
Trong vòng hai hoặc ba tháng, bạn nên chia đều chế độ ăn uống hằng ngày của bé thành ba bữa ăn, bao gồm sữa, ngũ cốc, rau, thịt, trứng và các loại trái cây,. Bạn cần lưu ý rằng vì thực phẩm đóng hộp dành cho người lớn thường chứa nhiều muối và chất bảo quản nên đừng cho bé ăn các loại thực phẩm này.
Những món đầu tiên nên cho bé ăn dặm?
Khi được 6 tháng tuổi, trữ lượng chất sắt trong cơ thể của các bé bú mẹ bắt đầu giảm dần. Vì thế, mẹ nên ưu tiên thực phẩm giàu chất sắt như thịt gà và thịt bò lên hàng đầu vì chúng là nguồn cung cấp protein, sắt, kẽm và nhiều giá trị dinh dưỡng hơn ngũ cốc, trái cây và rau củ.
Bạn cũng có thể lựa chọn ngũ cốc giàu chất sắt dành cho trẻ sơ sinh như ngũ cốc gạo và bột yến mạch. Bạn nên chọn các loại không bao gồm trái cây, sữa, sữa chua hoặc các công thức trẻ sơ sinh trong thành phần để tránh làm bé dị ứng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể trộn ngũ cốc cùng sữa mẹ và nước cho đến khi bé quen dần rồi mới tăng độ đặc của ngũ cốc.
Một khi bé đã quen với những mùi vị mới, bạn mới dần cho bé thêm nhiều lựa chọn như táo, lê, đào, chuối nghiền và các loại rau như cà rốt nấu chín, đậu Hà Lan và khoai lang.
Mẹ nên dùng dụng cụ gì để cho bé ăn thực phẩm rắn?
Bạn nên dùng muỗng để cho bé ăn thực phẩm rắn, ngoài trừ trường hợp bạn cần phải cho bé ăn thức ăn đặc hơn theo chỉ định của bác sĩ nhi khoa vì bé mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản. Một số cha mẹ thì cho thực phẩm rắn vào chai hoặc đồ dùng dành cho trẻ sơ sinh có gắn núm vú, nhưng cách cho ăn này có thể khiến bé thừa cân vì sẽ tăng đáng kể lượng thức ăn bé ăn vào. Bên cạnh đó, bạn cần giúp bé làm quen với cách ngồi lên ăn uống, nhai thức ăn từ muỗng, nghỉ ngơi giữa các lần nhai và dừng ăn khi bé đã no. Các trải nghiệm sớm này sẽ giúp đặt nền tảng cho những thói quen ăn uống tốt cho bé sau này.
Bạn nên cho bé sử dụng muỗng cà phê nhỏ hoặc muỗng em bé phủ nhựa để tránh gây chấn thương cho bé. Mới đầu, hãy cho bé ăn một nửa muỗng hoặc ít hơn, vừa cho bé ăn vừa trò chuyện cùng bé. Bé có thể bỡ ngỡ chưa biết phải làm thế nào trong vài lần đầu, ví dụ như nhìn mẹ một cách bối rối, nhăn mũi, ngậm thức ăn trong miệng rồi lại nhả ra. Đây là một phản ứng bình thường. Hãy kết hợp các cách dỗ bé ăn khác nhau để cải thiện tình trạng này.
Khi bé ăn được nhiều thức ăn hơn, bạn hãy cho bé ăn thường xuyên hơn, đồng thời thảo luận thêm với bác sĩ nhi khoa về nhu cầu dinh dưỡng dành cho bé yêu.
Bạn có thể tham khảo thêm:
12 siêu thực phẩm phụ nữ cho con bú không thể bỏ qua
Nuôi con một tuổi ăn dặm kiểu Tây
Trẻ 1 tuổi phát triển nhận thức như thế nào?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!