Điều trị ngừng thở khi ngủ giảm nguy cơ bệnh tim

Bài thuốc dân gian - 04/30/2024

Đối với những bệnh nhân béo phì bị ngừng thở khi ngủ, giảm cân nên là ‘thành phần chính’ của liệu pháp điều trị.

Hai nghiên cứu mới đây cho thấy điều trị ngừng thở khi ngủ có thể mang lại một giấc ngủ sâu hơn vào ban đêm và cũng giúp làm giảm huyết áp và các nguy cơ khác đe dọa đến sức khỏe tim.

Ngừng thở khi ngủ là một rối loạn phổ biến khi đó đường hô hấp thường bị bít tắc khi ngủ, dẫn tới các đợt ngừng thở và thở bình thường lặp đi lặp lại. Các dấu hiệu gồm ngủ ngáy to mạn tính, thở hổn hển hoặc nghẹt thở theo chu kì, và nhiều người bị tình trạng buồn ngủ ban ngày do chất lượng giấc ngủ kém.

Các nghiên cứu cho thấy những người bị ngừng thở dễ bị căng thẳng hệ thần kinh, làm tăng huyết áp và viêm động mạch. Hơn nữa, người bị ngừng thở khi ngủ có vẻ bị tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Kết quả nghiên cứu mới này - được đăng tải trên tờ New England Journal of Medicine số ra ngày 12/6 – đã mang lại nhiều thông tin tốt lành. Một nghiên cứu cho thấy cách điều trị phổ biến nhất đối với ngừng thở khi ngủ là áp lực dương đường thở liên tục (CPAP) - có thể kiểm soát cao huyết áp ở người hiện mắc bệnh tim.
Một nghiên cứu khác kết luận đối với những người béo phì thì giảm cân dường như làm giảm mỡ máu và các nguy cơ bệnh tim khác.

Theo Quỹ Giấc ngủ Quốc gia Mỹ, phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện ngừng thở khi ngủ, căn bệnh có thể gây ảnh hưởng đến 18 triệu người Mỹ trưởng thành.

Điều trị ngừng thở khi ngủ giảm nguy cơ bệnh tim

Ảnh minh họa

Tiến sĩ Daniel Gottlieb, chuyên gia về giấc ngủ tại Bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Boston, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: ‘Ngưng thở khi ngủ là khá phổ biến, song nó thường không được chẩn đoán. Điều trị bằng CPAP có thể cải thiện các triệu chứng ngừng thở khi ngủ, làm giảm các yếu tố nguy cơ gây đau tim và đột quỵ’.

Trong nghiên cứu này, Gottlieb và các cộng sự đã chọn 318 bệnh nhân bị ngừng thở khi ngủ, có bệnh tim hoặc nhiều yếu tố nguy cơ về bệnh này như cao huyết áp, cholesterol cao và bệnh tiểu đường.

Các bệnh nhân được ngẫu nhiên dùng 1 trong 3 cách điều trị: hướng dẫn về thói quen ngủ có lợi, bổ sung ôxy hoặc máy áp lực dương đường thở liên tục (CPAP) được dùng vào ban đêm.

CPAP là lựa chọn điều trị đối với ngừng thở khi ngủ. Thiết bị này đi kèm với mặt nạ thở chụp lên mũi và miệng, cung cấp trực tiếp ô-xy đến cổ họng. Việc đó nhằm giữ cấu trúc cổ họng khỏi bị khít chặt và giảm ô-xy, nhưng có thể gây khó chịu.

Gottlieb nói: ‘Những người không thể dung nạp được CPAP có thể bổ sung ô-xy như một liệu pháp ‘cứu cánh’. Việc đó dễ thực hiện hơn vì nó chỉ cần một ống thông mũi và không khí không bị tạo áp lực’.

Liệu pháp này ít có hiệu quả giảm huyết áp hơn. Sau hơn 12 tuần điều trị, huyết áp bệnh nhân dùng CPAP giảm trung bình 2-3 điểm so với hai nhóm còn lại, bác sỹ tim mạch Sripal Bangalore thuộc Trung tâm Y tế Langone NYU thành phố New York cho biết

Bệnh nhân trong nghiên cứu này đã được kiểm soát huyết áp bằng thuốc. Ông nói: ‘Bạn có thể tưởng tượng ở bệnh nhân không kiểm soát được cao huyết áp, thì CPAP sẽ có tác động rõ rệt hơn’.

Bangalore đồng ý là thiết bị CPAP có thể khó sử dụng, nhưng ông cho rằng trước khi ngừng dùng nó, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ về các cách điều trị đơn giản hơn - bằng cách đổi loại mặt nạ, hoặc điều chỉnh áp lực trên thiết bị.

Trong nghiên cứu thứ hai, họ tập trung vào 181 người trưởng thành béo phì bị ngừng thở khi ngủ, chia ngẫu nhiên họ vào nhóm điều trị CPAP 6 tháng, tư vấn giảm cân hoặc cả 2 liệu pháp này cùng một lúc.

Khi kết thúc nghiên cứu, cả 3 nhóm đều giảm huyết áp và việc kết hợp giảm cân với CPAP có hiệu quả tốt nhất.

Song ở bệnh nhân giảm cân - trung bình giảm khoảng 6kg – cũng có sự khác biệt. Những bệnh nhân ở cả hai nhóm giảm cân đều giảm cholesterol LDL ‘xấu’, triglyceride và protein phản ứng C – một chỉ dấu viêm trong các mạch máu.

Người đứng đầu nghiên cứu, TS. Julio Chirinos thuộc Đại học Y Pennsylvania ở Philadelphia cho biết kết quả cho thấy trong khi CPAP có thể giúp giảm huyết áp, nhưng nó lại không hiệu quả đối với những người có các yếu tố nguy cơ bệnh tim khác.

Vì vậy, đối với những bệnh nhân béo phì bị ngừng thở khi ngủ, giảm cân nên là ‘thành phần chính’ của liệu pháp điều trị.

Theo Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ thì thiết bị này sẽ được áp dụng điều trị cho nhiều bệnh nhân. Ước tính một nửa số người Mỹ bị ngừng thở khi ngủ là thừa cân hoặc béo phì.

Thúy Anh (Theo HealthDay News)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!