Câu hỏi:
Con gái tôi được hơn 15 tháng, 3 tuần trở lại đây, cháu đi ngoài hơi lỏng lần thứ hai (mẹ chồng tôi thì nói là bé bị tiêu chảy). Gia đình nhà chồng chì chiết cho rằng tôi chỉ biết sướng cái mồm của mình không chịu kiêng thức ăn có dầu mỡ nên con bé con mới bị tiêu chảy lại (vì tôi không ăn được thức ăn quá khô như: Ruốc thịt lợn, thăn lợn rim…).
Mong chuyên mục tư vấn tôi phải ăn uống thế nào để vừa có sữa cho con, vừa khắc phục được chứng tiêu chảy ở bé?
Thu Hằng (Hà Nội)
Trả lời:
Bạn có thể xác định con bị tiêu chảy hay không bằng cách nhận biết nếu trẻ đi ngoài phân lỏng trên 3 lần/ngày và kéo dài dưới 14 ngày thì chắc chắn bé bị tiêu chảy cấp. Khi đã xác định bé bị tiêu chảy cấp thì việc cần làm ngay đối với hai mẹ con là nên tăng thêm số lần cho con bú. Nếu cháu bé vì mệt không muốn bú mẹ thì tốt nhất là vắt sữa vào một cốc sạch (đã khử trùng) rồi cho con uống sữa đó.
Trẻ nhỏ bị tiêu chảy dễ bị mất nước dẫn đến mệt mỏi nên mẹ cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ (Ảnh minh họa: Internet)
Khi con bị tiêu chảy cấp, bạn không cần phải kiêng khem thức ăn có dầu, mỡ vì thức ăn của người mẹ có mỡ sẽ làm tăng hấp thu vitamin A, D, E, K. Khi đó, thành phần của sữa sẽ không thiếu các vitamin này, nhất là vitamin A. Vitamin A làm tăng sức đề kháng của niêm mạc đường tiêu hóa, giúp tiêu chảy ở trẻ khỏi nhanh. Trong sữa mẹ năng lượng do mỡ tạo ra chiếm khoảng 50% tổng lượng calo. Vì vậy, nếu người mẹ kiêng mỡ sẽ thiếu năng lượng, dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng.
Bé nhà bạn đã ở độ tuổi ăn dặm nên ngoài việc tích cực cho bé bú sữa mẹ, bạn nên chia nhỏ bữa ăn làm nhiều bữa trong ngày vì tiêu chảy mất nước nên cơ thể bé mệt mỏi. Bạn nên chế biến những loại thức ăn hàng ngày bé thường ăn hoặc thích ăn để khuyến khích trẻ. Tuy nhiên, loại thực phẩm tốt nhất với trẻ khi bị tiêu chảy là: Cháo hoặc bột nấu với khoai tây, cà rốt, thịt lợn nạc, thịt gà, đồ uống có sữa đậu nành, sữa ít lactose hoặc không có lactose.
Bạn cũng nên bổ sung trái cây cho trẻ là chuối và hồng xiêm. Không nên cho trẻ uống các loại nước giải khát công nghiệp có ga và nhiều đường, các loại thực phẩm có nhiều xơ, ít chất dinh dưỡng như: Đỗ, ngô và các loại rau có nhiều chất xơ, các loại thức ăn có nhiều đường như bánh, kẹo và các thức ăn chế biến sẵn như xúc xích.
Bạn cũng lưu ý theo dõi con, nếu trẻ có những biểu hiện như: Mất nước, mắt hõm sâu, miệng khô, khát nước, khóc không thấy nước mắt, tiểu tiện ít, không muốn ăn và uống nước, nôn mửa nhiều lần, trong 1-2 giờ đồng hồ đại tiện ra nước nhiều lần, trong phân có máu thì ngay lập tức phải đưa đến viện cấp cứu vì trẻ đang bị đe dọa tính mạng.
Chuyên gia tư vấnKim Mai
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!