Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi có nhiều nguy cơ gây biến chứng, tử vong đối với trẻ bị suy dinh dưỡng, có kèm bệnh khác… Do đó, trẻ bị sởi cần có chế độ dinh dưỡng đặc biệt để nâng thể trạng.
Bổ sung Vitamin và khoáng chất: Rất quan trọng
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong 14 tuần đầu tiên của năm 2014, lượng trẻ mắc sởi thường là 815 ca (tăng 708 ca so với cùng kỳ năm 2013), sởi bị biến chứng viêm phổi là 365 ca (tăng 67 ca). Như vậy, toàn TP có 1.180 ca sởi, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ có 405 ca.
Trước diễn biến bệnh sởi ngày càng phức tạp và lan rộng, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng Khoa dinh dưỡng - Bệnh viện Nhi Đồng 2 lưu ý, khi trẻ mắc sởi, phụ huynh vẫn phải cho trẻ ăn đủ chế độ dinh dưỡng hàng ngày nhưng nên chọn những đồ mềm, dễ ăn như cháo, sữa…
Bên cạnh đó, phụ huynh hãy chú trọng cho trẻ ăn những thức ăn có tác dụng tăng miễn dịch, giúp cơ thể chống nhiễm trùng. Đó là nhóm thức ăn giàu vitamin A, C, D. Vitamin A có nhiều trong các chế phẩm từ sữa, thực phẩm màu đỏ (cà rốt, cà chua…) và rau màu xanh sậm. Vitamin C có nhiều trong rau - củ - quả tươi, trái cây họ cam - chanh và các loại trái có vị chua. Vitamin D có trong các chế phẩm từ sữa. Do khả năng ăn của bệnh nhi sởi kém hơn trẻ bình thường trong khi nhu cầu cơ thể lại cao nên phụ huynh có thể bổ sung thuốc cung cấp vitamin và khoáng chất cho con (theo chỉ dẫn của bác sĩ).
Không chỉ vitamin, kẽm rất quan trọng với bệnh nhi bị sởi. Kẽm giúp tạo cảm giác ngon miệng, góp phần làm tăng miễn dịch. Nhóm thức ăn nhiều kẽm là sữa, trứng.
Ảnh minh họa
Ăn thịt cá giúp tái tạo mô
Ngoài ra, điều mà không phải phụ huynh nào cũng biết là khi trẻ mắc sởi, cơ thể bị tổn thương nên rất cần tái tạo mô. Do đó tuyệt đối không bắt trẻ ăn kiêng mà phải ăn đa dạng, ăn nhiều thịt, cá, các thực phẩm chứa chất đạm. Tuy nhiên, hệ miễn dịch của trẻ lúc này đang kém nên thức ăn phải nấu kỹ hơn bình thường. Thức ăn phải mềm vì trẻ mắc sởi dễ bị đau họng, rất khó nhai nuốt.
Trong lúc bị nhiễm siêu vi sởi, trẻ hay có các dấu hiệu đi kèm như tiêu chảy, sốt, ho, đau họng, sổ mũi, viêm kết mạc, rất dễ nôn ói. Phụ huynh nên chia nhỏ bữa ăn, có thể cho trẻ ăn 2/3 suất rồi ngưng một lát mới cho ăn tiếp. Không chỉ thế, phụ huynh cần nhớ cho trẻ uống thật nhiều nước để bù lượng nước đã mất, đàm nhớt sẽ được tống ra ngoài dễ dàng nếu cơ thể được bù nước đầy đủ.
Trong quá trình khám bệnh, bác sĩ Hậu ghi nhận kiến thức về dinh dưỡng trong chăm sóc con cái của phụ huynh ngày một đúng đắn hơn. Tuy nhiên, vẫn có những bà mẹ còn giữ quan niệm xưa cũ, chỉ cho con ăn cháo với muối hoặc với đường khi trẻ mắc bệnh. ‘Trẻ đã bị sởi mà chăm sóc thiếu dinh dưỡng thì rất nguy hiểm. Cơ thể trẻ sẽ suy sụp, làm biến chứng càng kéo dài và thêm nặng nề, khiến trẻ dễ bị viêm phổi hậu sởi, viêm da nhiễm trùng, thậm chí tử vong’, bác sĩ Hậu nói.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!