Dinh dưỡng sau điều trị ung thư

Người bệnh ăn gì - 12/29/2024

Sử dụng nhiều thực phẩm chứa các chất chống ôxy hóa (bao gồm vitamin C, vitamin E, carotenoid và rất nhiều chất khác trong thực vật) giúp giảm nguy cơ tái phát của nhiều loại ung thư.

Bác em bị ung thư, hiện điều trị hết đợt 1 nhưng sức khỏe yếu, người gầy. Xin bác sĩ tư vấn giúp về dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe và hạn chế tái phát bệnh.

Trần Anh(Trananh23@gmail.com)

Nhờ các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị sớm ung thư, tình hình bệnh nhân ổn định sau điều trị ngày càng khả quan. Tuy nhiên, bệnh nhân sau điều trị đặc hiệu cần quan tâm nhiều đến chế độ ăn uống, vận động để cải thiện kết quả điều trị, giảm nguy cơ tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian ổn định bệnh.

Để hạn chế nguy cơ tái phát ở một vài loại ung thư, bệnh nhân cần thay đổi một số thói quen ăn uống và vận động như sau: Giảm rượu bia giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư vú do cồn làm gia tăng nồng độ estrogen trong máu. Giảm thực phẩm và cách chế biến nhiều chất béo (ví dụ chiên ngập dầu…) đặc biệt là chất béo bão hòa (có trong thịt và mỡ động vật) giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư vú và giảm nguy cơ tái phát ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới.

Sử dụng nhiều thực phẩm chứa các chất chống ôxy hóa (bao gồm vitamin C, vitamin E, carotenoid và rất nhiều chất khác trong thực vật) giúp giảm nguy cơ tái phát của nhiều loại ung thư. Các chất này có nhiều trong rau củ quả. Đặc biệt, sử dụng rau và trái cây góp phần phòng ngừa tái phát và tăng thời gian ổn định của ung thư vú, tiền liệt tuyến và buồng trứng. Tác dụng này chỉ có khi sử dụng thực phẩm chứ không phải thuốc bổ sung.

Ngoài ra, bệnh nhân cần tập thể dục thể thao vừa sức. Theo các kết quả nghiên cứu cho thấy, thể dục thể thao thường xuyên, phù hợp với thể trạng và tình trạng bệnh lý sau mắc ung thư sẽ giúp hạn chế tái phát và gia tăng thời gian ổn định ở bệnh nhân ung thư vú, tiền liệt tuyến, buồng trứng và đại trực tràng.

BS. Quốc Cường

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!