Dính mụn 'vùng kín' khi trở lạnh: Phải làm sao?

Sức khỏe giới tính - 11/24/2024

Hiện tượng xuất hiện mụn ở 'vùng kín' trong mùa lạnh là hết sức bình thường và bất kì ai cũng có thể gặp, dù là nam hay nữ giới.

Thưa bác sĩ, em không biết hiện tượng của em có phải là bình thường hay không. Cứ vào mùa lạnh là em lại hay bị mụn ở vùng kín. Điều này khiến em vô cùng khổ sở, nhiều lúc những cái mụn này khiến em ngứa và rất đau. Bác sĩ cho em hỏi, tại sao em bị như vậy và có nguy hiểm lắm không? Em nên làm gì để khắc phục? Em xin cảm ơn bác sĩ! (Thanh Lan)

Trả lời:

Bạn Thanh Lan thân mến!

Trước hết, xin trả lời để bạn yên tâm rằng hiện tượng xuất hiện mụn ở 'vùng kín' là hết sức bình thường và bất kì ai cũng có thể gặp, dù là nam hay nữ giới.

Mụn có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, kể cả ở 'vùng kín'. Mụn xuất hiện khi độc tố trong cơ thể không được bài tiết tốt ra ngoài. Trong mùa lạnh, làn da khô, mất nước có thể dẫn đến thu hẹp lỗ chân lông, khiến cho bã nhờn hình thành và gây mụn ở 'vùng kín'.

Ngoài ra, những yếu tố khác như stress kéo dài, thay đổi nội tiết tố (trong kì nguyệt san, dùng thuốc tránh thai có estrogen, bệnh về nội tiết...) thì 'vùng kín' cũng có thể nổi mụn như những vùng da khác.

Dính mụn 'vùng kín' khi trở lạnh: Phải làm sao?

Hiện tượng xuất hiện mụn ở 'vùng kín' trong mùa lạnh là hết sức bình thường và bất kì ai cũng có thể gặp (Ảnh minh họa: Internet)

Nếu bạn chọn quần chip không thích hợp thì cũng có thể khiến 'vùng kín' nổi những nốt sần đỏ. Nhiều chị em thường gọi chung những nốt sần đỏ này là mụn. Những loại quần có nhiều sợi kim tuyến óng ánh, họa tiết nổi hoặc quần lọt khe sẽ tăng độ tiếp xúc, cọ xát làm tổn thương vùng da, làm máu kém lưu thông, tăng yếm khí gây nên viêm nang lông và lở loét.

Để phòng ngừa tình trạng xuất hiện mụn ở 'vùng kín', chị em cần lưu ý những điều sau đây:

- Mặc quần chip bằng cotton hoặc vải lụa nhẵn, ít họa tiết nổi. Tránh mặc quần cũ, vải sần.

- Nới rộng kích cỡ quần lót để vùng da khu vực này được 'thở'.

- Hạn chế mặc quần lọt khe, mặc quần jean quá chật. Tuyệt đối không được dùng tay gãi.

- Không nên dùng tay nặn các nốt mụn vì có thể gây ra nhiễm trùng.

- Nếu thấy da khô thì nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau, quả xanh.

- Trong trường hợp da nhờn, làm việc nặng nhọc thường xuyên tiết mồ hôi thì bạn nên tắm rửa 'vùng kín' nhiều hơn, nên dùng nước ấm, để lỗ chân lông giãn ra, hạn chế tích bã nhờn.

Nếu mụn mọc ngày càng nhiều đồng thời với sự phát sinh mụn trứng cá trên các bộ phận khác của cơ thể thì cần đến gặp bác sĩ vì lúc này, có thể bạn đang gặp vấn đề lớn về hoóc-môn. Bác sĩ có thể kê cho bạn toa thuốc điều chỉnh lượng hoóc-môn để kiểm soát mụn.

Chúc bạn sớm khỏi bệnh!

BS Hoa Hồng

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!