Ðau nhức răng mùa lạnh

Các bệnh - 11/24/2024

Tôi năm nay 50 tuổi. Mấy hôm trời rét, tôi hay bị nhức răng hàm ở phía bên trong mặc dù không hề uống nước lạnh. Xin bác sĩ cho tôi biết tôi bị sao và cách điều trị thế nào?

Trần Thanh Hồng (Hà Nội)

Vì những cấu tạo đặc thù nên thời tiết có ảnh hưởng khá nhiều tới hàm răng. Trời càng lạnh thì tình trạng đau nhức răng xuất hiện càng nhiều. Tuy nhiên, thời tiết lạnh thường chỉ gây ê buốt ở hàm răng, tập trung ở những răng bị mòn (trên bề mặt nhai hoặc ở cổ chân răng) do răng bị mòn, bị sâu, bị tổn thương; do tuổi tác; do thức ăn chứa nhiều axit; do vừa làm răng... Còn trường hợp của bác, răng bị nhức dù không uống nước lạnh thì khả năng bác bị sâu răng.

Ðau nhức răng mùa lạnh

Ban đầu, sâu răng biểu hiện là sự đổi màu ở mặt răng và không có triệu chứng. Lâu dần, các điểm biến đổi màu này chuyển sang tối hơn (màu nâu hoặc màu đen). Khi lỗ sâu răng xuất hiện làm thức ăn bị mắc lại và có triệu chứng buốt khi ăn thức ăn nóng, lạnh và đau khi có thức ăn mắc vào. Sau đó, lỗ sâu tiếp tục phát triển thì phần đáy lỗ sâu bị bong calcium và mềm hóa nhiễm vào tầng sâu của răng, cuối cùng làm cho viêm tủy răng.

Răng bị sâu tới ngà răng xuất hiện cảm giác ê buốt. Răng sâu tới tủy răng sẽ tạo cảm giác đau nhức cho người bệnh. Cảm giác này đặc biệt tăng khi gặp thời tiết rét buốt hoặc uống trực tiếp nước lạnh.

Sử dụng biện pháp tái khoáng phần bị sâu (dùng dung dịch gồm các chất calcium phốt phát, fluorine trám vào nơi răng bị sâu) là biện pháp điều trị cho răng mới bị sâu đơn giản, không đau, an toàn. Khi lỗ sâu đã rộng, cần nạo bỏ phần răng sâu và hàn trám lấp đầy lỗ khuyết của răng để thức ăn không giắt vào và không lưu lại vi khuẩn.

Phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh. Để phòng các răng khác bị sâu, bác nên vệ sinh răng miệng đúng cách, chải răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ - ít nhất 2 lần/ngày. Hạn chế sử dụng thức ăn nhiều đường. Sử dụng kem đánh răng có chứa fluorine, dùng nước súc miệng diệt khuẩn sau bữa ăn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!