Có 4 nguyên nhân chính khiến tính khí của trẻ thất thường:
1. Khi trẻ đối mặt với trở ngại hoặc sự việc quấy nhiễu khiến trẻ không thoải mái.
2. Trẻ mệt mỏi, sợ hãi, bị bạn bè giành giật đồ chơi hoặc bị xa lánh khiến tâm trạng của trẻ biến động và không thể kiểm soát cảm xúc.
3. Bố mẹ ngăn cấm hoặc áp đặt quá nhiều điều khiến trẻ bị áp lực về tâm lý.
4. Mối quan hệ giữa bố mẹ căng thẳng, không hòa hợp, trẻ không cảm nhận sự quan tâm, cảm giác an toàn và yêu thương nên trở nên nóng nảy.
Chắc hẳn bố mẹ không mong muốn nhìn thấy con mình giận dỗi, nổi nóng thất thường, nhưng khi trẻ phát tiết cảm xúc chưa hẳn là điều xấu, bởi vì trong nước mắt có chứa hormone cortisol và căng thẳng. Khi trẻ khóc lóc ầm ĩ, nước mắt sẽ giúp trẻ giải phóng áp lực của cơ thể, thúc đẩy cân bằng về tâm sinh lý. Khi trẻ nổi nóng cũng là lúc trẻ đang muốn phát đi tín hiệu đến bố mẹ là 'con cần sự giúp đỡ'. Bố mẹ có thể tận dụng cơ hội này để hướng dẫn và giúp trẻ đối mặt với khó khăn.
Khi trẻ khóc lóc ầm ĩ, nước mắt sẽ giúp trẻ giải phóng áp lực của cơ thể, thúc đẩy cân bằng về tâm sinh lý (Ảnh minh họa).
Sau đây là vài mẹo giúp bố mẹ ứng phó với cơngiận dỗi của trẻ:
1. Bố mẹ cần kiểm soát cảm xúc của bản thân, tránh phản ứng thái quá
Trẻ nổi nóng kéo theo hệ lụy là bố mẹ cũng buồn bực theo, tuy nhiên bố mẹ không nên la hét, không to tiếng, không tranh luận với trẻ, bởi sự nóng giận có tính lây truyền. Khi bố mẹ phản ứng thái quá sẽ càng mất bình tĩnh, càng khiến cơn nóng nảy của trẻ kéo dài thời gian hơn.
2. Bố mẹ cần bình tĩnh chờ đợi cơn giận của trẻ nguôi ngoai
Khi trẻ nóng giận, trẻ sẽ la hét, khóc lóc ầm ĩ, ném đồ chơi... cho đến khi mệt mới thôi. Thời điểm này, bố mẹ không nên trốn chạy khỏi hiện trường, phương pháp đúng nhất là bố mẹ lẳng lặng theo dõi trẻ phát tiết cảm xúc, bảo đảm trẻ không có hành động thương tổn đến bản thân và trẻ cần được biết bố mẹ vẫn luôn ở gần trẻ.
3. Ôm trẻ vào lòng vỗ về an ủi
Khi trẻ có hành động gây thương tổn đến bản thân, bố mẹ nên ôm trẻ vào lòng, dịu dàng vỗ về khiến trẻ cảm nhận được sự an ủi, điều này khiến cơn giận của trẻ nguôi ngoai và trẻ sẽ vui lại ngay.
Nếu bố mẹ không muốn trẻ nóng giận thất thường, bố mẹ cần phải kiểm soát cảm xúc của bản thân (Ảnh minh họa).
4. Không nên nhân nhượng đòi hỏi vô lý của trẻ
Cho dù cơn giận của trẻ kéo dài dai dẳng nhưng bố mẹ không nên vì thế mà nhân nhượng rồi tự phá vỡ quy tắc. Khi cơn giận của trẻ qua đi, bố mẹ nên phê bình hành động sai trái của trẻ, đó mới là cách giáo dục đúng đắn.
5. Tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết ngọn nguồn vấn đề
Khi trẻ đã bình ổn cảm xúc, bố mẹ cần tranh thủ trò chuyện với trẻ, tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ nóng giận và cùng trẻ giải quyết vấn đề, đồng thời giảng giải cho trẻ hiểu nổi nóng không thể giải quyết vấn đề mà càng khiến tình hình phức tạp hơn.
6. Bố mẹ cần phải làm gương cho trẻ noi theo
Mặc dù trẻ còn nhỏ và không hiểu cách bố mẹ đối nhân xử thế, nhưng mỗi ngày trẻ sẽ quan sát hành vi và biểu hiện của bố mẹ. Đặc biệt là giai đoạn trẻ sơ sinh, trẻ sẽ nắm bắt thông tin cảm xúc từ mẹ (hoặc người thân thiết với trẻ) thông qua nét mặt, sau đó trẻ sẽ có hành động tiếp theo là tiếp cận hoặc tránh né. Các nhà tâm lý học gọi đây là lý thuyết 'tham khảo xã hội'. Lấy một ví dụ đơn giản, nếu như người mẹ có tâm trạng vui vẻ và luôn tươi cười, trẻ đương nhiên cũng sẽ vui vẻ theo. Bởi vậy, nếu bố mẹ không muốn trẻ nóng giận thất thường, bố mẹ cần phải kiểm soát cảm xúc của bản thân, các thành viên trong gia đình cũng cần cố gắng tạo bầu không khí ấm áp và hòa thuận. Khi trẻ cảm nhận được tình yêu thương và sự bao dung, trẻ sẽ bớt nóng nảy hơn.
Nguồn: Sohu
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!