Tuy nhiên, việc đốt hàng mã không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm khác…
Đốt vàng mã trong đời sống tâm linh người Việt
Đã từ lâu, người Việt đã coi việc đốt vàng mã vào những ngày tháng bảy âm lịch là một tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Đây không chỉ thể hiện sự tôn kính đối với thần linh mà còn thể hiện truyền thống biết ơn, thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
Việc đốt vàng mã thường diễn ra vào những dịp giỗ, lễ, tết. Đặc biệt vào dịp lễ Vu Lan, nhu cầu này tăng đột biến. Ngay từ những ngày đầu tháng bảy âm lịch, nhiều người đã rục rịch đi mua vàng mã.
Tại các con phố chuyên bán như Lương Văn Can, Hàng Mã… lượng khách đến ngày một đông hơn, hoạt động mua bán tấp nập, sầm uất. Tại đây bày bán đầy đủ các loại đồ lễ: ô tô, xe máy, nhà lầu, quần áo, mũ… thậm chí có cả các đồ công nghệ: smartphone, laptop, ipad… Giá của những đồ lễ này cũng cao ngất ngưỡng. Mỗi món dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Mỗi mùa Vu Lan, rất nhiều vàng mã với mẫu mã đa dạng xuất hiện
Theo ước tính của các chuyên gia, mỗi năm người dân tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Có những gia đình dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng có thể do mê tín hoặc 'kém miếng khó chịu' nên đến các dịp lễ tết vẫn chịu chi tiền trăm, tiền triệu mua đồ vàng mã để cúng, đốt. Đây chính là sự lãng phí lớn về kinh tế.
Theo một thống kê, mỗi năm dân ta đốt khoảng 50 nghìn tấn vàng mã. Chỉ tính riêng Hà Nội, người dân Thủ đô đã chi đến 400 tỷ đồng tiền thật cho thói quen tâm linh này.
Những nguy hại xảy ra khi đốt vàng mã quá nhiều
Việc đốt vàng mã sẽ thải nhiều khói bụi khiến không khí bị ô nhiễm nặng nề, đặc biệt ở các thành phố lớn, không gian chật hẹp. Mới đây, thành phố Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã bị ô nhiễm nặng do người dân đốt vàng mã nhiều trong dịp lễ Xá tội vong nhân vừa qua. Theo nhiều nghiên cứu khóa học cho thấy, 60% sự gia tăng của các nguyên tố hóa học trong nước mưa có liên quan đến việc đốt vàng mã.
Sự ô nhiễm này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân, làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp: viêm phổi, viêm mũi dị ứng… Không chỉ có vậy, nó còn gây khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Việc đốt vàng mã quá nhiều tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn
Thực tế cho thấy, việc đốt vàng mã còn rất nguy hiểm khi là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ hỏa hoạn, gây thiệt hại nặng nề về người và tải sản. Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi (2015) đã có 8 căn nhà tại T.P Hồ Chí Minh bị cháy do người dân bất cẩn khi đốt vàng mã cúng ông Táo. Gần đây nhất là vụ cháy hàng ngàn ha rừng tại Quy Nhơn bị nghi do người dân đốt vàng mã. Có thể thấy rằng, việc đốt vàng mã không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Đốt vàng mã an toàn, không lãng phí
Trước những mối hiểm họa đó, người dân nên hạn chế việc đốt vàng mã trong dịp lễ Vu Lan nói riêng và các dịp lễ nói chung. Nên mua những đồ lễ đơn giản: quần áo, giày dép, mũ… Không nên mua những món lễ lớn như nhà lầu, ô tô, xe máy… để tránh gây tốn kém mà không làm mất đi những nét văn hóa truyền thống tâm linh người Việt.
Khi đốt vàng mã cần chú ý đảm bảo an toàn, phòng chống cháy, nổ. Không nên đốt gần các chất liệu dẫn lửa, gần các chất liệu dễ cháy như gỗ, đường dây điện… Nên chọn nơi kín gió để đốt vàng mã. Sau khi đốt, cần dọn dẹp sạch sẽ tro than để bảo vệ môi trường.
Vu Lan là ngày lễ để con cái báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên
Ngày lễ Vu Lan là ngày lễ để con cái báo hiếu cha mẹ và tổ tiên. Chính vì vậy, thay vì việc đốt vàng mã vừa tốn kém, nguy hiểm, mỗi gia đình cần có những hành động thiết thực hơn.
Bạn có thể làm mâm cơm cúng gia tiên vừa để thể hiện lòng biết ơn, vừa là dịp để gia đình đoàn viên. Bạn có thể lên chùa cầu an cho cha mẹ và gia đình. Ngoài ra, những hành động như ăn chay, tu tâm tích đức, làm từ thiện, chúc cha mẹ bình an hoặc mua quà tặng cha mẹ… đều là những món quà ý nghĩa và chân thành nhất.
>> Xem thêm: Cả thành phố đỏ rực, ô nhiễm nặng vì đốt vàng mã
Ảnh minh họa: Internet
Lưu Nhạn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!