Barcelona là điểm dừng đầu tiên trong hành trình tìm hiểu về thịt lợn muối (jamón) ở Tây Ban Nha đầu tháng 9 năm ngoái của tôi. Thành phố biển miền tây Địa Trung Hải đón những lữ khách bằng một buổi sáng tràn ngập nắng ngay từ lúc bước xuống sân bay. Từ đây, chuyến đi kéo dài 9 ngày qua thêm 3 thành phố khác gồm Girona, Zaragoza, Madrid để khám phá những nhà máy chế biến thịt lợn muối lớn nhất nước, cũng như thưởng thức đặc sản lừng danh này.
Một buổi sáng trên đại lộ La Rambla, Barcelona - nơi lúc nào cũng đông khách du lịch qua lại. Ảnh: Hương Chi.
Thịt lợn muối được xem là tinh túy và đại diện cho ẩm thực Tây Ban Nha. Vì thế nhiều người cho rằng đến xứ sở bò tót mà không ăn thịt lợn muối thì coi như chưa tận hưởng hết. Quả vậy, trong suốt chuyến đi, khai vị của bất kể bữa ăn nào từ sáng, trưa hay tối của đoàn chúng tôi cũng đều xuất hiện một món ăn. Đó là bánh mì nướng giòn cắt lát phết cà chua sống, giấm, dầu olive và trên cùng là những lát thịt lợn muối mỏng tang màu mận chín. Một cách ăn đơn giản hơn nữa là chỉ thái lát và vừa ăn luôn vừa nhâm nhi ly rượu hoa quả sangrila.
Với khẩu vị người Việt có thể ăn thịt lợn muối sẽ thấy mặn hơn nhiều, do thịt được ướp muối và bảo quản tới 1-2 năm, nhưng khi ăn cùng bánh mì như cách trên sẽ không còn cảm giác đó nữa. Ngoài ra, những ly sangrila lớn cũng làm thực khách say sưa với các câu chuyện bàn ăn hơn trước khi các món chính được đem ra.
Một thói quen ăn uống làm du khách nơi khác tới thấy bất ngờ là giờ ăn rất muộn và kéo dài 2-3 tiếng. Vì thế chúng tôi có những bữa sáng lúc 9h, bữa trưa thì 14-15h mới bắt đầu và bữa tối thường từ 21h đến nửa đêm. Các món ăn cũng được đưa lên chậm rãi như chính nhịp sống và ăn chơi của người dân địa phương. Điều đó vô tình biến món khai vị là thịt lợn muối thành món chống đói cho chúng tôi, những khách Việt vẫn quen ăn sớm.
Cách ăn đơn giản mà vẫn giữ được hương vị của thịt lợn muối jamón là kèm bánh mì, cà chua, dầu olive và giấm. Ảnh: Hương Chi.
Các nhà hàng ở Tây Ban Nha dù lớn hay nhỏ nếu phục vụ thịt lợn muối sẽ luôn có khoang bếp treo lủng lẳng những chiếc đùi lợn lớn. Mỗi hàng lại có thợ cắt thịt lợn riêng đã được đào tạo bài bản, để có thể cắt những lát thịt mỏng đều bằng dụng cụ chuyên biệt như dao, kẹp thịt hay đế giữ đùi lợn...
Trước khi chế biến một chiếc đùi lợn muối, lớp da và mỡ bên ngoài có thể được cắt riêng trước và xương lóc ra đem hầm lấy nước nấu súp rất ngon. Phần thịt nạc sẽ được thái thành lát mỏng để ăn trực tiếp hoặc kết hợp làm nhiều món đặc trưng của xứ sở bò tót như tapas (thực chất là những món nhỏ, ăn kèm).
Chị Thái Hà, hướng dẫn viên của chúng tôi suốt 9 ngày, lấy chồng người Madrid và đã sống, làm việc ở Tây Ban Nha hơn 10 năm qua. "Người Tây Ban Nha chỉ mua nguyên chiếc đùi lợn muối vào các dịp quan trọng như Giáng sinh để họ có thể thưởng thức trong cả tháng lễ", chị Hà chia sẻ. Bởi các dịp này là thời điểm nhu cầu ăn uống, tụ họp với gia đình, bạn bè cao hơn. Đùi lợn thường lớn tới 7-10 kg mỗi chiếc nên gia đình ít người có thể để ăn dần được vài tháng.
Những chiếc đùi lợn muối hàng chục tuần trong kho ở một cơ sở ở Tây Ban Nha. Món ăn nổi danh thế giới này hiện cũng phổ biến tại các nhà hàng cao cấp của Việt Nam. Ảnh: Hương Chi.
Những ngày cuối ở Madrid, trước khi trở về Việt Nam, chị Hà còn giới thiệu cho chúng tôi chỗ mua thịt lợn muối ngon, tất nhiên đã cắt lát đóng gói có thể đem về làm quà. Chuyến đi dài hơn một tuần đó đã cho tôi thấy Tây Ban Nha không chỉ có đặc sản là các lễ hội sôi động, những đội bóng và tình yêu môn thể thao vua cuồng nhiệt, mà còn món thịt lợn muối trứ danh xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!