Đừng chết vì nắng nóng!

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Say nóng, say nắng và rối loạn thân nhiệt là những bệnh lý cực kỳ nguy hiểm trong thời tiết nắng nóng.

Ấn Độ đang phải trải qua đợt nắng nóng khủng khiếp với nhiệt độ lên tới gần 50oC và kéo dài hàng chục ngày. Khoảng 2000 người đã chết do mệt mỏi, thiếu nước, sốc nhiệt, say nắng. Đa số họ là những người vô gia cư, người nghèo và những người phải làm việc ngoài trời. Nắng nóng trở thành cơn ác mộng với 2/3 dân số nước này, những người không có điều kiện giảm nhiệt bằng các thiết bị điện.

Theo các nhà khoa học, cơ thể con người hoạt động tốt nhất ở nhiệt độ 36-37,5oC. Sức khỏe con người bắt đầu bị đe dọa khi nhiệt độ môi trường ở mức 35oC cùng với độ ẩm cao và gặp nguy hiểm khi nhiệt độ bên ngoài đạt mức 40oC. Nắng nóng lên đến 50oC sẽ trở thành mối đe dọa đối với con người.

Đừng chết vì nắng nóng!

Nhiều bệnh viện ở Ấn Độ phải trải qua tình trạng quá tải vì người nhập viện do nắng nóng

Say nóng, say nắng

Say nóng (lả nhiệt) xảy ra khi trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng được với điều kiện thời tiết khiến cơ thể mất nước và rối loạn điều hòa thân nhiệt.

Các triệu chứng say nóng đôi khi giống với các triệu chứng khi bị nhiễm vi-rút như: mệt mỏi, cơ thể suy nhược, đau đầu, đau cơ, chuột rút, buồn nôn, nôn, hoa mắt. Khi bị say nóng, nhiệt độ cơ thể thường cao trên 37oC nhưng không quá 40oC.

Say nắng (sốc nhiệt) là tình trạng thân nhiệt tăng quá mức, thường trên 40oC kèm theo đó là tình trạng bí mồ hôi.

Tùy vào thể trạng từng người, triệu chứng của say nắng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, ngất xỉu có thể là biểu hiện đầu tiên. Các triệu chứng phổ biến khác gồm: các biểu hiện của say nóng kèm thân nhiệt cao, da khô, nóng đỏ, không có mồ hôi, mạch nhanh, thở khó. Trường hợp nặng, người bị say nắng có thể bị ảo giác, có những hành vi kì lạ, kích động, co giật, thậm chí rơi vào trạng thái hôn mê.

Say nắng có thể gây ra nhiều biến chứng như tăng men tim, thủng cơ tim, phù phổi, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp, suy gan, hoại tử tế bào gan, rối loạn đông máu, liệt nửa người, mất trí nhớ…

Đừng chết vì nắng nóng!

Cần đưa nạn nhân bị say nắng vào chỗ mát và bổ sung nước kịp thời

Rối loạn thân nhiệt

Nhiệt độ môi trường tăng cao kèm độ ẩm trong không khí cao khiến mồ hôi không thể bốc hơi để làm giảm nhiệt độ cơ thể, khi đó sẽ dẫn đến rối loạn thân nhiệt.

Rối loạn thân nhiệt thường được chia thành 3 mức độ:

- Chuột rút:Đây là rối loạn nhẹ, do cơ thể bị mất nước khi vận động trong thời gian dài dưới trời nắng nóng. Chuột rút thường xuất hiện đột ngột ở bàn tay, bắp chân, bàn chân.

- Suy kiệt: Đây là rối loạn trầm trọng hơn với các triệu chứng chóng mặt, nhức đầu, mồ hôi vã ra như tắm, da tái xanh, có biểu hiện lú lẫn, tụt huyết áp, ngất xỉu.

- Đột quỵ:Đây là tình trạng cực kỳ nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Nhiệt độ cơ thể người bị đột quỵ do nắng nóng tăng nhanh, da nóng, đỏ, nhịp tim nhanh (160-180 lần/phút), có biểu hiện lú lẫn, hôn mê, co giật. Đột quỵ có thể gây tổn thương não dẫn đến tử vong.

Đừng chết vì nắng nóng!

Đừng để cơ thể bị mất nước là cách phòng tránh bệnh lý nắng nóng tốt nhất

Cách xử trí

Khi gặp trường hợp say nóng, say nắng, rối loạn thân nhiệt, cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp sơ cứu:

- Giảm thân nhiệt cho nạn nhân: Đưa nạn nhân vào nơi có bóng râm, thoáng mát, cởi bớt quần áo, quạt mát, phun nước mát, dùng khăn lạnh chườm vào nách, bẹn, cổ - nơi có động mạch lớn đi qua. Không sử dụng nước đá để chườm mát vì nước đá quá lạnh có thể gây co mạch dưới da.

- Cho nạn nhân uống nước mát, tốt nhất là nước có pha muối, orezol để bù điện giải. Không cho nạn nhân uống nước có cồn, caffeine.

- Trong trường hợp nạn nhân có triệu chứng nặng như nôn liên tục, nhiệt độ tiếp tục tăng, đau bụng, đau ngực, khó thở, hôn mê, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển, liên tục chườm mát cho bệnh nhân.

Để tránh các bệnh lý nguy hiểm tính mạng trong thời tiết nắng nóng, cần chú ý uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây chứa nhiều nước, mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, thấm mồ hôi. Hạn chế đi lại, làm việc quá lâu dưới trời nắng nóng, đặc biệt là khoảng thời gian 10h-16h hàng ngày. Nếu phải ra đường, nên trang bị đầy đủ mũ, nón, quần áo chống nắng.

>> Xem thêm:

Nắng nóng bao nhiêu độ sẽ trở thành 'sát thủ'?

Ấn Độ: Nắng nóng kỷ lục khiến hơn nghìn người chết

Chuyên đề: Cách chữa say nắng trong ngày hè

 

Ảnh minh họa: Internet

Hà Vân

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!