Mới đây, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận một trường hợp 44 tuổi, cấp cứu với những dấu hiệu của ngộ độc như tụt huyết áp, nôn, mắt nhìn lơ mơ do uống khoảng 15 viên thuốc sốt rét để 'dự phòng COVID-19' vì tin theo mách bảo trên mạng. Đây là trường hợp đầu tiên được cơ quan y tế ghi nhận bị ngộ độc thuốc sốt rét do uống để dự phòng COVID-19.
Những bất lợi có thể gặp khi dùng thuốc
Hydroxychloroquine và chloroquine được sử dụng với mục đích ban đầu là điều trị bệnh sốt rét và một sốbệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, phát ban đa dạng do ánh sáng...
Bên cạnh việc điều trị thuốc có thể gây những bất lợi không mong muốn khi dùng. Cụ thể: do gây lắng đọng thuốc ở giác mạc nên người bệnh có thể gặp các triệu chứng như rối loạn điều tiết, nhìn đôi, bệnh lý võng mạc có thể không hồi phục. Nguy cơ bất lợi này càng cao ở người trên 60 tuổi, người có tiền sử bệnh lý võng mạc và người suy gan, suy thận.
Ngoài ra, người dùng có thể bị nôn, buồn nôn, tiêu chảy; mất ngủ, trầm cảm, kích thích (mặc dù hiếm gặp và chỉ gặp nếu dùng liều rất cao). Thuốc cũngcó thể gây tan máu (thiếu G6PD), hạ bạch cầu.
Lưu ý rằng, ngay cả liều điều trị thông thường vẫn có thể gây rối loạn tiêu hóa nhẹ, chán ăn, nhức đầu. Nếu dùng liều cao có thể gây rối loạn tiêu hóa nặng hơn, độc với thần kinh và tâm thần như viêm dây thần kinh ngoại biên, rối loạn thính giác, thị giác, tổn thương da, suy tim, thiếu máu tan máu.
Những ai không được dùng thuốc?
Đây là thuốc kê đơn và có chỉ định chặt chẽ khi dùng. Tuyệt đối không dùng hydroxychloroquin và chloroquin cho các bệnh nhân có tiền sử bệnh võng mạc; người nhạy cảm với các thành phần của thuốc hoặc đang điều trị các liệu pháp ức chế tủy xương.
Đối với một số bệnh nhân có các bệnh lý khác đi kèm, thầy thuốc buộc phải cân nhắc kỹ lợi ích và nguy cơ khi sử dụng cho những người có bệnh nền như: suy thận, bệnh gan, bệnh máu, thiếu G6PD, bệnh lý thần kinh cơ, bệnh tâm thần, vảy nến.
Cấp cứu bệnh nhân ngộ độc tại Bệnh viện Bạch Mai
Khuyến cáo của thầy thuốc
Việc người dân đổ xô tìm mua thuốc này về dùng khi không có chỉ định của bác sĩ sẽ gây nguy hiểm. Vì, cho đến nay chưa có phương pháp điều trị hiệu quả nào được hoàn toàn công nhận là đặc hiệu với COVID-19.
Thông tin về tác dụng chữa COVID-19 của 2 thuốc này mới chỉ là thông tin sơ bộ về kết quả nghiên cứu bước đầu, trên quy mô nhỏ và vẫn đang tiếp tục phải nghiên cứu kỹ thêm. Hydroxychloroquine vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế công nhận và chính thức đưa vào phác đồ điều trị và khuyến cáo sử dụng.
Cho dù khi thuốc này được công nhận và được khuyến cáo sử dụng trong điều trị COVID-19, cũng chỉ được sử dụng khi bác sĩ chỉ định và có liều lượng sử dụng hợp lý, an toàn và hiệu quả đối với từng trường hợp bệnh nhân. Vì vậy, nếu người dân có sẵn thuốc này cũng không được tự ý dùng. Vì có thuốc trong tay mà dùng không đúng, bệnh không khỏi mà còn gặp bất lợi do thuốc, nguy cơ khó lường.
Do đó tuyệt đối không nên tích trữ thuốc, tránh tạo tình trạng khan hiếm hàng, đội giá; hoặc dù có tích trữ thuốc cũng không dùng được. Khi thuốc quá hạn phải vứt bỏ sẽ gây lãng phí tiền của và gây ảnh hưởng môi trường, vì đây là những thuốc có nguồn gốc tổng hợp hóa học và có độc tính.
NGỘ ĐỘC VÌ UỐNG 15 VIÊN THUỐC TRỊ SỐT RÉT NGỪA COVID - 19
- Mới đây, Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) đã tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc thuốc điều trị sốt rét vì uống để phòng Covid-19. Đây là trường hợp đầu tiên ngộ độc thuốc sốt rét được ghi nhận tại Việt Nam. Trước đó, bệnh nhân là nam giới (44 tuổi) đã vào khoa Cấp cứu tại bệnh viện huyện ở Hà Nội trong tình trạng nôn nhiều, mờ mắt, suy hô hấp...
- Các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân đã uống 15 viên chloroquin 250mg để phòng COVID - 19 theo thông tin trên mạng. Bệnh nhân còn mua dự trữ ở nhà 100 viên với mục đích dùng cho bản thân và những người trong gia đình.
- Ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã được rửa dạ dày, dùng than hoạt tính, thở máy không xâm nhập kịp thời. Tiếp đó bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) để được tiếp tục điều trị.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!