Đừng để những sai lầm này tước đi tính mạng khi mắc cúm

Thời sự - 11/24/2024

Theo các chuyên gia, việc điều trị sai khi bị cúm có thể khiến cho tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn, thậm chí có thể mất mạng.

Đừng để những sai lầm này tước đi tính mạng khi mắc cúm

Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Ảnh minh họa

Sai lầm dễ dẫn tới tử vong vì cúm

Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, trong 11 tháng qua cả nước đã ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong (giảm 10% số mắc và giảm 2 trường hợp tử vong so với cùng kỳ 11 tháng năm 2018). Hiện tại ở các bệnh viện, số lượng người bệnh vào viện đang có xu hướng gia tăng.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, bệnh cúm là bệnh do virus chứ không phải cảm cúm dân gian thông thường nhưng đa phần mọi người vẫn nhầm lẫn. Khi bị bệnh do virus thường hay bị sốt cao, đau nhức cả mình, đau đầu kèm triệu chứng hô hấp. Còn cảm thông thường, chủ yếu triệu chứng hô hấp mà không có sốt cao.

Cúm lành tính, nhưng nếu coi thường cũng dễ nguy hiểm tính mạng. Đặc biệt đối với những trường hợp như trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính tiểu đường, tim mạch, phổi mạn tính có sức đề kháng suy giảm dễ có biến chứng viêm phổi, đe dọa tính mạng.

Các chuyên gia cho rằng, việc chữa trị sai lầm dễ khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn. Đáng buồn là hiện vẫn còn rất nhiều người làm theo mách bảo như: Trùm kín cho ra mồ hôi sẽ nhẹ nhõm, khỏi. Nhiều người nghĩ rằng đây là cách chữa cúm vì khi cơ thể ra nhiều mồ hôi sẽ nhẹ nhõm. Thực tế không phải vậy. Cơ thể cảm cúm yếu ớt, nếu đổ mồ hôi nhiều dễ gây mất nước, kiệt sức, sức đề kháng giảm làm bệnh nặng hơn.

Xông nước lá: Phương pháp xông lá có tác dụng nhưng không phải lúc nào cũng xông được và không phải ai cũng làm. Những trường hợp như người đang sốt cao, ra nhiều mồ hôi; sốt siêu vi; cơ thể suy nhược; trẻ nhỏ, phụ nữ đang mang thai hoặc vừa mới sinh… không nên lạm dụng. Trường hợp cảm đến ngày thứ 3 trở đi mà các triệu chứng không giảm cũng không nên xông. Việc xông hơi nước lá quá nhiều, quá lâu có thể dẫn tới việc mất nước cơ thể do ra nhiều mồ hôi, cơ thể suy kiệt hơn.

Tự ý truyền nước: Việc tự ý truyền mà không thăm khám, xét nghiệm rất dễ nguy hiểm tính mạng bởi cần phải xác định bệnh nhân đang trong tình trạng như thế nào và cần những loại dịch truyền gì. Truyền dịch sẽ có tác dụng tốt trong trường hợp bệnh nhân sốt quá cao, nôn quá nhiều làm mất nước, bệnh nhân tiêu chảy đi ngoài mất nước, không ăn uống được… Trường hợp cảm cúm có mất nước nhưng vẫn ăn uống được nên bù nước qua đường uống tốt hơn.

Cảm cúm dùng đồng thời nhiều loại thuốc kháng sinh mau khỏi hơn: Đây là thói quen rất nguy hại của không ít người. Cảm cúm là bệnh do virus mà theo khuyến cáo về y tế, các bệnh do nhiễm virus nói chung và bệnh cảm sốt, cảm cúm nói riêng đều không nên uống các loại thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh chỉ được dùng nếu có biểu hiện của nhiễm khuẩn và phải dùng theo chỉ định của thầy thuốc. Việc lạm dụng thuốc dễ dấn tới tình trạng kháng thuốc.

Hiện việc lo lắng khan hiếm thuốc Tamiflu nên nhiều cha mẹ tự mua thuốc cho trẻ sử dụng là rất nguy hiểm. Không phải bệnh nhi nào cũng phải sử dụng đến thuốc này, chúng chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt mắc cúm trên nền bệnh viêm phổi hoặc kèm các biến chứng khác...

Điều cần chú ý tránh lây cúm cả nhà

Hiện nay thời tiết rất thuận lợi cho các bệnh cúm phát triển. Bệnh cúm rất dễ lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi… nên ngay cả những người chăm sóc cũng cần phải cẩn thận. Không ít gia đình có tới 2 - 3 người, thậm chí lây sang cả nhà bị cúm.

BS Nguyễn Thị Hiệp, Khoa A4B - Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm đã có những cảnh báo, người chăm sóc bệnh nhân bị cúm cần phải lưu ý để không lây nhiễm cảm cúm:

Cần đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với người cảm cúm, nhỏ mũi thuốc sát khuẩn, thường xuyên rửa tay sau và trước khi tiếp xúc với bệnh nhân bằng nước rửa tay diệt khuẩn.

Tuyệt đối không ăn thức ăn thừa của người bị cảm cúm.

Đồ dùng của người cảm cúm như bát, đũa, thìa, cốc, chén… hằng ngày nên luộc sôi, tốt nhất là nên dùng riêng, không ôm áo quần bẩn của người bệnh vào người.

Chú ý bồi dưỡng thêm chất bổ để đảm bảo sức khỏe khi chăm người bệnh cảm cúm, nên ăn thêm gia vị như tỏi, gừng, hành… làm ấm cơ thể và có tính kháng khuẩn. Ăn nhiều rau quả trái cây tươi chứa nhiều vitamin C như cam, chanh, quýt… để tăng cường sức đề kháng chống lại vi khuẩn gây bệnh cảm cúm. Mỗi ngày nên uống 1 ly trà gừng ấm và 1 lý tỏi băm nhuyễn pha nước để giảm thiểu tối đa nguy cơ bị lây bệnh cảm cúm.

Khăn giấy của bệnh nhân cảm cúm đã sử dụng nên để trong túi và xử lý với các loại rác thải khác.

Khi thấy dấu hiệu của bị cảm cúm như: Sổ mũi, nhức đầu, đau mình mẩy, mắt đỏ, gai gai rét, phải cách ly và khám, điều trị ngay.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa:

1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

3. Tiêm vaccine cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.

4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

5. Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!