Rất nhiều bậc cha mẹ đã xem điện thoại là vật cứu cánh để dỗ trẻ ngay từ khi còn nhỏ nên đã để lại hậu quả lớn. Đến khi nhận ra con mình mắc bệnh rối loạn thần kinh, tự kỷ hay tăng động thì đã quá muộn và phải đưa đến các cơ sở Y tế điều trị.
Tại khoa Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em – Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội) đã và đang điều trị cho bé L.Q.M (5 tuổi – trú tại Gia Lai) được xác định mắc chứng bệnh tăng động và rối loạn ngôn ngữ.
Bé M. được mẹ cho nghe và xem điện thoại từ lúc 1 tháng tuổi.
Bà mẹ từ Gia Lai cho biết, do quá bận với công việc nên đành phải dùng điện thoại thay 'bảo mẫu'.
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Thanh (tên người mẹ đã thay đổi) chia sẻ:'Bé M. là con út và là đứa con thứ 5 trong gia đình, các con khác đã lớn và không ai mắc chứng bệnh này cả'.
Cũng theo chị Thanh, khi mới sinh bé M. xong, do kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, chị Thanh lại mở một tiệm tạp hóa nên bị cuốn theo công việc, thành ra thời gian chăm sóc con bị hạn chế. 'Khi cháu M. mới được 1 tháng tuổi, tôi đã tranh thủ làm việc nhà, bán hàng. Mỗi khi làm việc tôi đều mở nhạc thiếu nhi cho cháu nghe rồi đặt cạnh giường. Cháu nghe dần rồi quen, thành ra mỗi khi tôi mở nhạc thì cháu tỏ ra thích thú, chăm chú nghe theo', chị Thanh nhớ lại.
Không chỉ thế, những lúc cho con ngủ hoặc bú sữa chị Thanh cũng chọn cách dỗ con bằng điện thoại, mở nhạc để bé M. nhanh đi vào giấc ngủ ngon. Tuy nhiên, khi bé M. lớn lên chút nữa, chị Thanh không chỉ cho nghe nhạc mà còn mở các video trên mạng dành cho trẻ để con xem.
'Tôi cũng không để ý đến sự phát triển của con nhiều, tuy nhiên, với bé M. thì tận 7 tháng cháu mới biết ngồi và tận gần 20 tháng mới biết đứng và hơn 2 tuổi mới biết đi. Riêng tập nói thì cháu không mảy may gì cả', chị Thanh tâm sự.
Ai lấy điện thoại, bé M. sẵn sàng phản ứng và khóc thét cũng như có nhiều hành động khó hiểu.
Nằm nghỉ, ngồi chơi hay trong lúc ăn bé M. cũng đòi xem điện thoại.
Suốt những năm đầu đời, chị Thanh đều cho con sử dụng điện thoại hàng ngày với thời gian rất dài, thậm chí cháu đòi xem cả ngày trừ lúc ngủ. Hiện nay, mới 5 tuổi nhưng bé M. được mẹ 'đầu tư' hơn 10 chiếc điện thoại thông minh do cháu cứ dùng được 1 thời gian là đập phá dẫn đến hư hỏng mỗi khi không xem được video.
Đến 4 tuổi, nhiều người trong gia đình cũng như chị Thanh mới nhận ra con mình vẫn không biết nói hoặc chỉ giao tiếp được với cha mẹ bằng những ngôn ngữ không tròn vành, rõ tiếng thì lúc đó mới đưa bé M. đi thăm khám.
Đến nay, bé M. đã được điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương lần thứ 3, tình trạng bệnh đã có những cải thiệt chút ít. Tuy nhiên, để điều trị dứt điểm cần có thêm liệu trình điều trị và thời gian.
Có mặt tại đây, bé M. luôn cầm điện thoại để xem tất cả các video bất kể nội dung gì, thậm chí, nếu chị Thanh lấy điện thoại thì bé la hét, khóc lóc, giãy giụa và có những hành động khó hiểu. Nếu ai đó đang cầm cầm điện thoại trong tầm tay thì bé M. sẵn sàng giật phắt để đòi mở xem video.
Bà mẹ thừa nhận con mình bị 'nghiện' điện thoại nặng.
'Tôi đã quá hối hận khi cho con lạm dụng điện thoại từ nhỏ, giờ chỉ mong cháu được điều trị sớm khỏi bệnh và có thể giao tiếp như những đứa trẻ bình thường khác. Các bác sĩ cũng khuyên tôi 'cai nghiện' điện thoại dần dần cho con nhưng quả thật rất khó', chị Thanh nói.
BS Dương Minh Tâm (khoa Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em – Bệnh viện Châm cứu Trung ương) cho biết, trường hợp cháu M. có biểu hiện điển hình nhất là rối loạn ngôn ngữ, chậm nói, nói không rõ nghĩa… Hướng điều trị hiện tại là vừa xoa bóp bấm huyệt, vừa châm cứu… kết hợp với đó là luyện tập phục hồi ngôn ngữ.
Để làm được điều đó, ngoài các bác sĩ thì gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là cần cách ly dần dần cháu ra khỏi điện thoại, thường xuyên tham gia hoạt động cộng đồng…
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!