Dùng kháng sinh azithromycin trị nhiễm khuẩn: Những cảnh báo mới nhất

Cần biết - 03/29/2024

Azithromycin được dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm với thuốc gây ra.

Thuốc đã được sử dụng trong hơn 26 năm qua, được bán dưới tên thương hiệu zithromax và zmax và là thuốc generic của nhiều công ty dược phẩm khác nhau. Nó hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng. Trong quá trình sử dụng, thuốc bộc lộ những nguy cơ tiềm tàng cần thận trọng khi dùng…

Các tác dụng phụ đã biết

Azithromycin là một kháng sinh mới có hoạt phổ rộng thuộc nhóm macrolid, có tác dụng diệt khuẩn mạnh bằng cách gắn với ribosom của vi khuẩn gây bệnh, ngăn cản quá trình tổng hợp protein của chúng nên có tác dụng diệt khuẩn. Thuốc được dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm với thuốc gây ra như nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới bao gồm viêm phế quản, viêm phổi, các nhiễm khuẩn da và mô mềm, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm họng và viêm amidan.

Vì nguy cơ kháng thuốc nên azithromycin chỉ nên dùng cho những người bệnh đã bị dị ứng với penicilin. Trong những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục ở cả nam và nữ, azithromycin được dùng điều trị nhiễm khuẩn đường sinh dục chưa biến chứng do Chlamydia trachomatis hoặc Neisseria gonorrhoeae không đa kháng.

Tác dụng phụ không mong muốn hay gặp nhất là rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, co cứng cơ bụng, nôn, đầy hơi, tiêu chảy nhưng thường nhẹ. Ngoài ra, có thể thấy biến đổi nhất thời số lượng bạch cầu trung tính hay tăng nhất thời enzym gan, đôi khi có thể gặp phát ban, đau đầu và chóng mặt. Khi sử dụng lâu dài ở liều cao, azithromycin có thể làm giảm sức nghe có hồi phục ở một số người bệnh.

Dùng kháng sinh azithromycin trị nhiễm khuẩn: Những cảnh báo mới nhất

Cảnh giác với bất lợi trên tim mạch của thuốc.

Và cảnh báo của FDA trong quá trình sử dụng

Azithromycin có thể gây nguy cơ tim mạch

Vào tháng 12/2013, FDA đã có cảnh báo, azithromycin (zithromax hoặc zmax) có thể gây ra những thay đổi bất thường trong hoạt động điện của tim dẫn đến nhịp tim bất thường có khả năng gây tử vong. Bệnh nhân có nguy cơ phát triển tình trạng này bao gồm những yếu tố nguy cơ được biết đến như kéo dài khoảng QT hiện tại, giảm nồng độ kali hoặc magiê trong máu, nhịp tim chậm hơn bình thường...

Các nhãn thuốc của azithromycin được FDA khuyến cáo cập nhật ngay trong phần Cảnh báo và Phòng ngừa với những thông tin liên quan đến nguy cơ kéo dài khoảng QT và xoắn đỉnh gây nhịp tim bất thường này.

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nên xem xét nguy cơ rối loạn nhịp tim gây tử vong khi điều trị bằng azithromycin cho những bệnh nhân đã có nguy cơ mắc các biến cố tim mạch, bao gồm những người: Có tiền sử kéo dài khoảng QT, hội chứng QT kéo dài bẩm sinh hoặc suy tim mất bù, những bệnh nhân dùng thuốc bị kéo dài khoảng QT, bệnh nhân có nhịp tim chậm, hạ kali máu, hạ natri máu, bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân bị bệnh tim có thể dễ bị ảnh hưởng của thuốc gây loạn nhịp tim lên khoảng QT.

Đối với người bệnh, không ngừng dùng azithromycin khi chưa có ý kiến của bác sĩ; tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu dùng thuốc thấy nhịp tim không đều, khó thở, chóng mặt hoặc ngất xỉu và báo cáo bất kỳ tác dụng phụ nào bạn gặp phải cho bác sĩ biết.

Tăng nguy cơ tái phát ung thư khi dùng lâu dài azithromycin sau cấy ghép tế bào gốc của người hiến tặng

Mới đây, vào ngày 3/8/2018, một lần nữa FDA lại có cảnh báo về kháng sinh này, khuyến cáo không nên dùng kháng sinh azithromycin (zithromax, zmax) lâu dài để ngăn ngừa tình trạng viêm phổi ở những bệnh nhân bị ung thư máu hoặc bạch huyết đã trải qua cấy ghép tế bào gốc từ người hiến tặng. Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy gia tăng tỷ lệ tái phát ung thư kể cả tử vong ở những bệnh nhân này khi dùng azithromycin dự phòng viêm phổi.

Bệnh nhân ung thư trải qua cấy ghép tế bào gốc từ người hiến tặng có nguy cơ mắc hội chứng viêm tiểu phế quản tắc nghẽn, gây ho khan và khó thở.

Hiện FDA khẳng định, không có phương pháp điều trị kháng sinh hiệu quả được biết đến để phòng ngừa hội chứng viêm phổi ở những bệnh nhân này và nhấn mạnh: Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe không nên kê toa azithromycin dài hạn để dự phòng hội chứng viêm phổi cho bệnh nhân trải qua cấy ghép tế bào gốc của người hiến tặng vì khả năng tái phát ung thư và tử vong gia tăng và nguy cơ tiếp xúc azithromycin lâu dài sau khi cấy ghép tế bào gốc của người hiến tặng có thể vượt quá lợi ích mà nó mang lại.

Như vậy, một thuốc khi đưa vào lưu hành sử dụng có những bất lợi đã được biết đến và những nguy cơ chưa biết có thể xảy ra trong quá trình sử dụng.Vì vậy, khi dùng, các bác sĩ và người bệnh cần phải thận trọng, đặc biệt là những thuốc mới ra đời.

(Theo FDA, 8/2018)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!