Dùng thuốc chống nhiễm khuẩn răng miệng hiệu quả

Cần biết - 04/26/2024

Nhiễm khuẩn răng miệng là một vấn đề khá thường gặp trong cộng đồng, từ sâu răng đến viêm quanh răng, viêm nướu, ổ áp-xe... Vì vậy, cần thiết phải dùng đến các thuốc chống nhiễm khuẩn.

Tuy nhiên cần lưu ý tới việc dùng thuốc sao cho thuốc vào được vị trí cần tác dụng và phát huy hiệu quả nhất.

Các thuốc thường dùng

Có rất nhiều loại vi khuẩn có thể gây nhiễm khuẩn răng miệng như: tụ cầu, liên cầu, vi khuẩn lacto, vi khuẩn coryne, một số vi khuẩn kỵ khí và vi khuẩn đường ruột. Những vi khuẩn này định cư trong miệng ở những vị trí khác nhau và có vai trò gây bệnh khác nhau. Chẳng hạn như vi khuẩn tụ cầu hay cư trú ở hầu họng nhưng vi khuẩn kỵ khí thì lại hay cư trú ở những khe kẽ của răng.

Tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh mà bác sĩ có thể lựa chọn kháng sinh thích hợp. Một số loại kháng sinh thường dùng như:

Amoxicillin và phenoxymethylpenicillin (Penicillin V) là 2 kháng sinh thuộc nhóm beta lactam. Đây là dòng kháng sinh đa dụng và có hoạt tính diệt khuẩn tốt, đặc biệt với vi khuẩn tụ cầu và liên cầu. Tuy nhiên cần lưu ý, một số bất lợi có thể xảy ra khi dùng các thuốc này như tiêu chảy, buồn nôn, phát ban...

Spiramycin là một loại thuốc có sẵn dùng theo đơn của bác sĩ trong điều trị bệnh nhiễm trùng do các chủng vi khuẩn gram âm, gram dương và nấm mốc gây bệnh có khả năng kháng thuốc. Một trong những chỉ định của thuốc này được dùng trị viêm họng, viêm xoang cấp, bội nhiễm viêm phế quản cấp, viêm phổi, nhiễm trùng miệng do vi khuẩn. Không dùng thuốc này cho phụ nữ đang mang thai, dự định mang thai hoặc đang cho con bú.

Spiramycin có thể sẽ gây ra một số tác dụng phụ, mặc dù hiếm gặp nhưng có thể rất nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, nếu nhận thấy những triệu chứng này, người bệnh hãy tới bác sĩ để kiểm soát. Tác dụng phụ bao gồm: Dấu hiệu của một phản ứng dị ứng như phát ban, mề đay, ngứa, đa đỏ, sưng, phồng rộp, bong tróc, sốt, đau thắt ở ngực, khó thở, khó nuốt, khàn giọng, sưng miệng/mắt/môi/lưỡi/cổ họng; máu trong nước tiểu; đau ngực; chóng mặt hoặc bất tỉnh; đau bụng; tiêu chảy; nhịp tim không bình thường; buồn nôn hoặc nôn; vàng da hoặc mắt...

Metronidazol cũng là loại thuốc kháng sinh răng được sử dụng rộng rãi trong nha khoa. Đây là kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn đường ruột và vi khuẩn kỵ khí đặc biệt mạnh. Loại thuốc này thường được phối hợp với spiramycin thành một loại thuốc đặc trị viêm vùng răng miệng rất hiệu quả.

Doxycycline là một kháng sinh thuộc nhóm tetracyclin có tác dụng với cả vi khuẩn gram (-) và gram (+); nhạy cảm với vi khuẩn kỵ khí và vi khuẩn đường ruột nên rất tốt để điều trị bệnh nhiễm trùng răng miệng. Đây cũng là kháng sinh được lựa chọn thay thế trong trường hợp người bệnh bị dị ứng với amoxicillin. Tuy nhiên, cần lưu ý doxycycline có thể làm hỏng men răng ở những răng non. Do đó không dùng cho trẻ em dưới 8 tuổi, phụ nữ có thai (nửa cuối thai kỳ), người cho con bú.

Dùng thuốc chống nhiễm khuẩn răng miệng hiệu quả

Dùng thuốc đúng cách sẽ phát huy hiệu quả tối ưu.

Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc

Để thuốc phát huy trúng đích và có hiệu quả nhất, người bệnh cần đi khám và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Trong trường hợp ổ nhiễm khuẩn răng miệng có màng bao phủ, có mủ, có bọc... bác sĩ sẽ phải làm sạch mủ (thải bỏ một lượng lớn vi khuẩn gây nhiễm trùng tại chỗ) giúp cho việc dùng thuốc hiệu quả hơn.

Tùy theo từng trường hợp bác sĩ sẽ kê đơn liều dùng và thời gian dùng thuốc phù hợp. Để loại bỏ nhiễm trùng hoàn toàn, người bệnh nên tiếp tục dùng thuốc theo đúng thời gian điều trị được chỉ định. Ngay cả khi những triệu chứng nhiễm trùng đã dần khỏi thì người bệnh cũng không nên ngừng sử dụng thuốc, điều này có thể khiến tái nhiễm trùng.

Khi uống thuốc nên ở tư thế đứng hay ngồi thẳng người với lượng nước vừa đủ để giúp thuốc trôi nhanh xuống dạ dày, tránh đọng lại ở thực quản gây viêm loét thực quản, đặc biệt là với những kháng sinh gây kích ứng thực quản như doxycyclin...

Trong quá trình dùng thuốc kháng sinh điều trị các bệnh răng miệng, có thể dùng kèm các thuốc súc miệng để làm sạch vùng miệng giúp tăng thêm hiệu quả điều trị. Những loại thuốc thường có các chất sát khuẩn pha chế dưới dạng dung dịch. Người dùng cần đọc kỹ hướng dẫn của sản phẩm trước khi sử dụng để dùng đúng cách. Tránh dùng các loại chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!