Dùng thuốc hạ mỡ máu gây táo bón, vì sao?

Thời sự - 04/29/2024

Tôi bị bệnh mỡ máu phải sử dụng thuốc cholestyramine để điều trị. Nhưng trong thời gian sử dụng thuốc tôi thường xuyên bị táo bón. Vậy xin hỏi bác sĩ nguyên nhân là do đâu và làm cách nào để khắc phục? Tôi xin cảm ơn.

Lê Văn Hùng (Hà Nội)

Cholestyramine là thuốc có bản chất là nhựa trao đổi ion, được các bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân bị tăng cholesterol. Thuốc có khả năng tạo phức hợp không tan với acid mật và giúp loại bỏ nó qua đường tiêu hóa, từ đó làm giảm cholesterol máu. Tuy nhiên táo bón trầm trọng là tác dụng phụ thường gặp nhất, xảy ra ở khoảng 30% bệnh nhân điều trị bằng thuốc colestipol hay cholestyramine. Vì vậy để giảm thiểu tình trạng táo bón, bệnh nhân thường được kê liều khởi đầu điều trị bằng liều thấp (ví dụ colestipol 1gm, 1 - 2 lần 1 ngày); sau đó chỉnh liều tăng dần lên. Bên cạnh đó người bệnh cũng cần bổ sung thêm hoa quả, chất xơ vào chế độ ăn.

Các tác dụng phụ lên đường tiêu hóa khác bao gồm ậm ạch, đầy hơi, trĩ, tắc ruột do phân và kích ứng hay nứt kẽ hậu môn. Ngoài ra thuốc chuyển hóa qua gan, do vậy trong thời gian sử dụng thuốc cần sử dụng thêm các thuốc giúp hỗ trợ và bảo vệ tế bào gan.

Cholestyramine cũng gắn vào nhiều loại thuốc dẫn tới giảm hấp thu vì vậy các thuốc khác nên được sử dụng 1 giờ trước khi uống hoặc 4 giờ sau khi uống các chất gắn kết acid mật. Các chế phẩm nên được uống cùng với nước hoa quả để làm giảm kích ứng hay tắc nghẽn đường tiêu hóa.

Do các thuốc hạ mỡ máu đều có tác dụng phụ nên người bị mỡ mau cao dù là mức độ nhẹ cũng không nên tự ý mua thuốc về dùng mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, để việc điều trị mỡ máu cao đạt hiệu quả bạn cần kết hợp giữa việc dùng thuốc với ăn uống lành mạnh và tuân thủ một chế độ luyện tập khoa học, kết hợp với việc khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sát sao tình tình sức khỏe của bản thân.

Chúc bạn nhanh khỏe.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!