Nếu ở độ tuổi trước 40 mà người phụ nữ không có chu kỳ kinh nguyệt thì lúc này được gọi là mãn kinh sớm. Ngược lại, có những người mãn kinh muộn sau 55 tuổi.
Vậy mãn kinh sớm ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn cùng tìm hiểu để nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Dấu hiệu và triệu chứng của mãn kinh
Mãn kinh có thể xảy ra với phụ nữ vào bất cứ tuổi nào trong khoảng giữa 30 tuổi đến cuối 50 tuổi. Tuy nhiên, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn bởi nhiều yếu tố như: di truyền, khí hậu, văn hóa, gia đình, chế độ dinh dưỡng…Tuổi mãn kinh còn liên quan đến thời điểm thấy kinh nguyệt lần đầu, thời điểm kết hôn, số lần mang thai và sinh nở.
Những người tiếp xúc nhiều với tia phóng xạ, từng phẫu thuật buồng trứng hoặc mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh dục, cấu tạo cơ quan sinh dục bị tổn thương... có khả năng bước vào thời kỳ mãn kinh sớm hơn.
Bên cạnh đó, do lối sống đô thị hóa, công nghiệp hóa, nhịp sống tăng nhanh, thường xuyên bị căng thẳng và áp lực trong cuộc sống, tâm trạng bất ổn, dễ nóng giận, thức khuya nhiều, say mê công nghệ khiến con người lười vận động thể lực, sinh nở ít, các bệnh mạn tính và béo phì gia tăng... là nguyên nhân làm cho tuổi mãn kinh ở phụ nữ xuất hiện sớm hơn.
man kinh
Tập thể dục đều đặn ngừa mãn kinh sớm.
Đặc điểm quan trọng bước vào giai đoạn mãn kinh là rối loạn kinh nguyệt với các biểu hiện là kinh gián đoạn, mất kinh đột ngột, kinh thưa, mất kinh dần dần...
Nhìn chung kinh nguyệt trong giai đoạn này bị rối loạn dưới nhiều hình thức như xen kẽ vài ngày ra máu nhiều với những ngày chỉ ra rất ít, hay liên tục có kinh 7-10 ngày hoặc vòng kinh kéo dài trên 40 ngày, kinh ít hoặc kinh nguyệt ngừng 2-3 tháng... do nội tiết mất cân bằng, buồng trứng đáp ứng kém với hoóc-môn sinh dục.
Mãn kinh sớm ảnh hưởng đến sức khỏe
Bên cạnh các triệu chứng y hệt như mãn kinh đúng tuổi là rối loạn vận mạch ngoại biên hay đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, tim đập nhanh, mệt mỏi, hay quên, mất ngủ...
Mãn kinh sớm cho thấy có sự lão hóa sớm hay kết thúc chu kỳ sớm của người phụ nữ. Da trở nên khô hơn, sạm da, nám da.
Cơ thể cũng có những sự chuyển biến khác thường, nhất là trên cơ quan sinh sản: vú trở nên nhẽo và nhỏ lại, niêm mạc âm đạo teo đi, các môi lớn, môi bé, tổ chức sợi và cơ nâng đỡ tầng sinh môn cũng bé lại... hậu quả là ham muốn tình dục giảm, giao hợp khó khăn, trầm cảm, luôn căng thẳng và mệt mỏi.
Mãn kinh sớm ở phụ nữ còn xuất hiện nhiều nguy cơ khác như dễ bị ung thư vú, ung thư cổ tử cung do suy giảm nội tiết tố.
Nội tiết tố tác động lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ tim mạch, hệ thần kinh, cơ xương khớp. Người mãn kinh sớm phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh tim mạch lớn hơn nhiều so với người có sự mãn kinh bình thường.
Mức độ loãng xương cũng cao hơn, đốt sống cũng bị lún và xương trở nên giòn, xốp dễ gãy, các bệnh về răng miệng cũng hay xảy ra hơn và một điều vô cùng quan trọng với người mãn kinh sớm đó là sự gia tăng nguy cơ đột quỵ não.
Lời khuyên của thầy thuốc
Ðể làm chậm tuổi mãn kinh cũng như ngăn ngừa mãn kinh sớm cần thực hiện lối sống và chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Cụ thể cần tăng cường vận động thể lực.
Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
Giữ cân bằng tâm sinh lý. Duy trì cân nặng. Lưu ý bổ sung canxi và vitamin D vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày, ăn nhiều rau quả tươi.
Dinh dưỡng cân đối, đủ chất. Nên bắt đầu chế độ chăm sóc, cải thiện sức khỏe ngay từ tuổi 30.
Khám sức khỏe định kỳ, có thể kiểm tra hoóc-môn buồng trứng estrogen 2 lần/năm để duy trì và áp dụng kịp thời liệu pháp thay thế hoóc-môn an toàn, hiệu quả.
Chị em gặp hội chứng tiền mãn kinh sớm cần đi khám để được tư vấn và có phương pháp khắc phục phù hợp.
ThS. Lê Thị Hương
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!