Cách đây không lâu, một bệnh nhi đã phải nhập viện Bạch Mai với biểu hiện sốc nhiễm trùng huyết. Cậu bé bị viêm phổi nhưng dùng kháng sinh mấy ngày vẫn không thấy đỡ. Bác sĩ chỉ định phải sử dụng kháng sinh thế hệ 3, nhưng chưa kịp uống thì cậu bé bị biến chứng phổi, tràn khí màng phổi. Nguyên nhân là những vết xước nhỏ trên da do gãi ngứa rồi bị nhiễm trùng vi khuẩn tụ vào máu. Cậu bé đã phải điều trị một tháng rưỡi và hiện đang tập luyện để phục hồi chức năng phổi.
Như vậy, chỉ từ những vết xước da rất nhỏ nhưng nếu không cẩn thận để bị nhiễm trùng máu sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ hay nghịch ngợm và có nhiều vết thương.
Em Linh được bác sĩ thăm khám. Ảnh: N. Phương
1. Nhiễm trùng vết thương
Nguy cơ nhiễm trùng từ một vết thương hở là rất cao nếu vết thương bị bẩn, không được chăm sóc và thay băng vô khuẩn. Với những người có các bệnh mạn tính gây suy giảm miễn dịch (đái đường, ung thư, nhiễm HIV…) thì khả năng bị nhiễm trùng vết thương càng cao.
Những dấu hiệu sau đây cho thấy biểu hiện của nhiễm trùng:
- Vết thương sưng tấy, đỏ, đau.
- Vết thương xuất tiết dịch mủ vàng hoặc vết thương chảy máu rỉ rả.
- Vết thương trở nên rộng hơn và sâu hơn.
- Xuất hiện mủ màu vàng hoặc mủ xanh trên bề mặt vết thương
- Sốt, nổi hạch gần khu vực có vết thương, có thể nổi hạch bẹn hoặc hạch nách.
- Vết thương có biểu hiện lâu liền.
Nguy hiểm của nhiễm trùng vết thương là làm nhiễm khuẩn đến các tổ chức sâu hơn bên trong da như cân, cơ, xương,... dẫn đến hoại tử tổ chức phần mềm, viêm xương. Khi có hoại tử phần mềm thì bắt buộc phải cắt lọc bỏ tổ chức hoại tử và việc chăm sóc để liền vết thương trở nên khó khăn hơn.
Khi vết thương có biểu hiện nhiễm trùng, cần được khám và tư vấn bởi bác sĩ, bác sĩ sẽ kê đơn sử dụng kháng sinh. Trong trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng, nếu để muộn thì việc phẫu thuật để loại bỏ các mô, tổ chức bị nhiễm khuẩn và hoại tử và đôi khi các mô xung quanh là không tránh khỏi.
Khi vết thương có biểu hiện nhiễm trùng, cần phải gặp bác sĩ để được kê đơn sử dụng kháng sinh (Ảnh minh họa: Internet)
2. Nhiễm khuẩn do tụ cầu và các biến chứng
Tụ cầu khuẩn (Staphylococcus) có khoảng hơn 30 loại khác nhau, có thể tìm thấy trong mũi, hầu họng và da trên người. Tụ cầu có mặt ở khoảng 25-30% những người khỏe mạnh. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng gây ra bởi Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng). Trong phần lớn các trường hợp, các vi khuẩn không gây bệnh. Tuy nhiên, khi da bị trầy xước và tổn thương, vi khuẩn đột nhập qua hàng rào bảo vệ cơ thể, vượt qua cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể và dẫn tới nhiễm trùng.
Tụ cầu khuẩn sau khi xâm nhập vào cơ thể qua da và niêm mạc có thể gây nên nhiều viêm nhiễm cho các cơ quan trong cơ thể như viêm phổi, viêm thận. Bất cứ ai cũng có thể phát triển một nhiễm trùng do tụ cầu khuẩn. Một số nhóm người có nguy cơ cao hơn là trẻ sơ sinh, phụ nữ cho con bú, người già và và những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư, bệnh tim mạch, và bệnh phổi.
3. Nhiễm khuẩn huyết
Trong thực tế lâm sàng, nhiều trường hợp bị nhiễm khuẩn huyết mà đường vào của vi khuẩn chỉ là vết thương rất nhỏ, thường phát hiện khi thăm khám tỷ mỉ hoặc thông qua lịch sử bệnh tật. Từ vết thương, vi khuẩn đột nhập vào máu, gây nên bệnh cảnh của hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc với các triệu chứng sốt cao, kéo dài, liên tục không rõ nguyên nhân và thường kèm theo các triệu chứng thiếu máu, gan, lách to, tổn thương đa cơ quan, phủ tạng.
Nhiễm khuẩn huyết có thể gây nên bệnh cảnh lâm sàng nặng nề, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Với những trường hợp nhiễm khuẩn huyết cần phải điều trị bằng kháng sinh tích cực, kháng sinh đường tĩnh mạch là biện pháp chủ đạo kết hợp với các biện pháp điều trị hỗ trợ khác.
4. Uốn ván
Trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) là trực khuẩn gram dương, kị khí, có vỏ, sinh nha bào, thường có trong đất, cát bụi bẩn, trong phân trâu bò ngựa, gia cầm, cống rãnh... Sau khi trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương, gây nên bệnh uốn ván với biểu hiện chính là sốt cao, cứng hàm, co giật trên nền các cơ co cứng.
Bệnh uốn ván thường xảy ra sau một vết thương hở từ bên ngoài, chẳng hạn như vết rách da, xước da, dẫm phải gai, dẫm phải đinh. Bệnh này có thể xảy ra với phụ nữ sau sinh mà không được tiêm phòng vắc-xin uốn ván và điều kiện vệ sinh kém.
Bệnh uốn ván thường xảy ra sau một vết thương hở từ bên ngoài (Ảnh minh họa: Internet)
Bệnh uốn ván là bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Nguyên nhân tử vong do suy hô hấp (do co cứng các cơ hô hấp dẫn đến liệt hô hấp), rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim .
Phòng bệnh uốn ván có vai trò quan trọng, tốt nhất là khi có vết thương hãy chủ động tiêm phòng kháng độc tố uốn ván (SAT: serum anti tetanus) và tiêm vắc-xin phòng uốn ván. Vắc xin uốn ván nếu được tiêm đầy đủ có hiệu lực bảo vệ tới 10 năm, sau đó cứ 10 năm tiêm nhắc lại một lần.
Cách xử trí khi bị vết thương:
Bởi vì hầu hết các vết thương hở là nhỏ, và có thể được điều trị tại nhà bằng cách làm như sau:
Những vết thương hở, đặc biệt ở chân, dù nhỏ cũng nên băng bó lại (Ảnh minh họa: Internet)
- Rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch, để nước chảy làm trôi đi các bụi bẩn và những mảnh vụn. Khử trùng vết thương bằng cồn 70 độ hoặc các hóa chất khử trùng khác như Batadine, oxi già.
- Nếu vết thương chảy máu nhiều có thể băng bó, thường sử dụng phương pháp băng ép cầm máu. Cần chú ý băng bó vết thương bằng băng vô trùng. Đối với các vết thương nhỏ, chảy máu ít và cầm máu tốt, nếu không phải đi lại và không có nguy cơ nhiễm bụi, bẩn thì không nhất thiết phải băng bó.
- Giữ cho vết thương sạch và khô. Thay băng hàng ngày để kiểm tra tình trạng vết thương. Một điều rất quan trọng là luôn luôn rửa tay sạch sẽ khi thay băng và khử trùng vết thương.
- Nếu vết thương do vật bẩn hoặc có nguy cơ nhiễm bẩn, hãy tới cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng uốn ván và hướng dẫn sử dụng thuốc (kháng sinh, giảm đau, chống phù nề… khi cần thiết). Tới cơ sở y tế nếu vết thương sâu, chảy máu nhiều, chảy máu không dừng lại sau khi đã tiến hành băng ép.
- Khi vết thương đã lên vảy, đừng bóc vảy vết thương mà nên để nó tự bong ra. Tái khám nếu có các biểu hiện bất thường hoặc có biểu hiện của nhiễm trùng vết thương; khám lại theo hẹn theo lời dặn của bác sĩ.
>> Xem thêm: Cậu bé bị nhiễm trùng máu do vết xước ngoài da
Quang Thanh
Ảnh minh họa: Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!