Giấc ngủ ngắn của bé trong ngày là điều cần thiết nhưng các mẹ hãy đặc biệt lưu ý đến 9 điều này

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Cha mẹ hãy nhớ 9 điều này khi cho bé ngủ trong ngày để đảm bảo chất lượng giấc ngủ cho con.

Ngủ là một hoạt động cần thiết cho cơ thể và trẻ em lại càng phải cần ngủ đủ giấc để cơ thể phát triển khỏe mạnh. Khi còn nhỏ, các bé cần ngủ rất nhiều, thậm chí bé sơ sinh cần ngủ gấp đôi so với người lớn.

Đối với bé, những giấc ngủ ngày cũng quan trọng không kém giấc ngủ ban đêm. Sự phát triển hệ thần kinh và thể chất thường xảy ra mạnh mẽ vào lúc nhỏ và giấc ngủ ngắn ban ngày đem lại khoảng thời gian nghỉ ngơi, dưỡng sức và giúp kích thích phát triển ở bé.

Giấc ngủ ngắn của bé trong ngày là điều cần thiết nhưng các mẹ hãy đặc biệt lưu ý đến 9 điều này

Những giấc ngủ ngày, phút chợp mắt tuy ngắn nhưng quan trọng, giúp bé dưỡng sức, lấy lại năng lượng để tiếp tục hoạt động (Ảnh minh họa).

Chính vì vậy bé cần thêm những giấc ngủ ngày, thời gian chợp mắt tuy ngắn nhưng lại giúp bé lấy lại năng lượng để tiếp tục dành cho các hoạt động tiếp theo.

Ngủ ngày giúp trẻ tránh khỏi mệt mỏi vốn không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng mà còn làm bé khó ngủ vào buổi tối. Tuy nhiên để đảm bảo giấc ngủ ngắn của bé đạt chất lượng nhất, các mẹ cần lưu ý 9 điều sau đây:

1. Nhận biết dấu hiệu buồn ngủ của bé

Đầu tiên việc mẹ cần làm là chú ý đến những tín hiệu ngủ của bé như ngáp, mắt thiu thiu gần nhắm, bé dụi mắt hoặc bực dọc, quấy khóc. Với trẻ lớn hơn thì mẹ có thể phán đoán dấu hiệu như bé uể oải, có vẻ mệt mỏi, chơi kém.

Lưu ý là mẹ nên ghi lại những tín hiệu ngủ và thời gian ngủ của bé trong một thời gian nhất định để biết được chu kỳ ngủ của bé và biết khi nào bé sắp ngủ và có sự chuẩn bị tốt, đảm bảo giấc ngủ cho bé yêu.

Giấc ngủ ngắn của bé trong ngày là điều cần thiết nhưng các mẹ hãy đặc biệt lưu ý đến 9 điều này

Những tín hiệu ngủ của bé như ngáp, mắt thiu thiu gần nhắm, bé dụi mắt hoặc bực dọc, quấy khóc (Ảnh minh họa).

2. Hiểu chu kỳ ngủ và thời lượng giấc ngủ của con

Độ dài của các chu kỳ thức - ngủ của mỗi bé sẽ không giống nhau nhưng những giấc ngủ ngắn vào ban ngày sẽ giúp trẻ có đủ thời gian ngủ cần thiết.

Tùy thuộc vào độ tuổi và thói quen, mỗi bé sẽ có quãng thời gian ngủ ngày khác nhau. Trẻ sơ sinh có thể ngủ tổng khoảng 16 giờ mỗi ngày, trẻ lớn hơn thì ngủ ít hơn vào ban ngày và nhiều hơn vào ban đêm.

Đến 6 tháng tuổi, những giấc ngủ ban ngày sẽ dần dài hơn và kém thường xuyên hơn, một số bé sẽ có thể ngủ qua đêm và thêm 2-3 giấc ngủ ngắn ban ngày.

Tuy nhiên mỗi bé là một cá thể khác biệt và có thể có thói quen ngủ khác nhau nên mẹ không cần quá lo lắng nếu bé nhà mình có chu kỳ ngủ khác với các bé khác nhé.

3. Tạo cho bé thói quen tự ngủ

Việc bé ngủ thiếp đi sau khi bú là hoàn toàn tự nhiên cho dù bé bú mẹ hay bú bình. Ôm ấp và cho bé bú giúp mẹ và bé gần gũi nhau hơn, nhưng theo thời gian nó có thể trở thành cách duy nhất để giúp bé ngủ được.

Vì vậy bé nên học cách tự ngủ, mẹ hãy cố gắng tách việc cho bú và giấc ngủ của bé ra dù chỉ một vài phút bằng một số việc như thay tã, đọc truyện...

Hãy đặt bé xuống khi bé đã thức và luyện bé tự ngủ mà không phải bế rong. Mẹ hãy tập cho bé thói quen ngủ ngay từ khi còn nhỏ, bé sẽ ngủ ngon dù là ban ngày hay đêm mà không cần lúc nào cũng phải có mẹ kề bên.

4. Kéo dài thêm giấc ngủ ngắn

Nếu bé đã ngoài 6 tháng tuổi nhưng vẫn ngủ những giấc ngắn chỉ 20 phút suốt cả ngày thì mẹ cần khuyến khích bé ngủ giấc dài hơn, từ từ và tăng lên dần dần 1-2 tiếng mỗi giấc.

Việc ngủ giấc ngắn và liên tục tỉnh dậy sẽ khiến cả mẹ và bé vất vả hơn, chất lượng giấc ngủ của bé cũng không đảm bảo. Vì vậy tăng thời lượng mỗi giấc ngủ sẽ giúp hạn chế được những nhược điểm trên.

5. Thiết lập thời gian biểu cho giấc ngủ

Để bé có một giấc ngủ ngày lành mạnh thì mẹ cần thiết lập chế độ hợp lý từ sớm và thực hiện theo. Với các bé tập đi và trẻ mẫu giáo, việc lập thời gian biểu để ngủ thường khó khăn hơn bởi mặc dù nhiều bé thích ngủ trưa nhưng cũng có những bé thích dành thời gian để chơi và cố thức cho dù mắt díp lại.

Mẹ có thể thiết lập thời gian ngủ trưa cố định hàng ngày, tránh ngủ trưa muộn, nếu bé khó ngủ vào buổi đêm thì hãy cho bé ngủ trưa sớm hơn và dậy sớm hơn, có thể cho bé ngủ trong cũi để bé hiểu đó là vị trí dành cho giờ ngủ.

6. Sắp xếp vị trí ngủ an toàn

Những vị trí ngủ như ghế sofa, ghế bành, sàn nhà... đều không an toàn cho các bé. Mẹ hãy đưa bé về vị trí ngủ đảm bảo hơn.

Mẹ lưu ý đặt bé ngủ ở tư thế nằm ngửa để ngăn ngừa Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), không để thú bông, chăn gối xung quanh bé và cũng không nên để bé ngủ cùng các bé khác hoặc vật nuôi trong nhà.

Giấc ngủ ngắn của bé trong ngày là điều cần thiết nhưng các mẹ hãy đặc biệt lưu ý đến 9 điều này

Đặt bé nằm ngửa ngủ trong cũi ở vị trí an toàn dù là ngủ ngày hay đêm (Ảnh minh họa).

7. Không đánh thức bé giữa chừng

Nếu bé đã ngủ thiếp đi trên ghế ô tô hay vị trí nào đó, mẹ không nên đánh thức bé giữa chừng mà chỉ cần nhẹ nhàng di chuyển bé sang bề mặt phẳng khác dễ chịu hơn để bé có thể thoải mái nằm ngủ tiếp và dễ dàng trở mình.

Tất nhiên đó không phải là chiếc ghế bành hay chiếc bàn và nhớ những vị trí này ngủ tạm thời dành cho buổi trưa thì được chứ không để bé ngủ qua đêm và hãy để mắt tới bé mẹ nhé.

8. Không ép bé ngủ

Đôi khi cha mẹ cần di chuyển hoặc bận việc nhà mà cố ép bé ngủ ngày để tranh thủ làm việc. Tuy nhiên việc này là không nên bởi ngủ trưa liên tục khi di chuyển có thể không mang lại lợi ích về giấc ngủ cho bé.

Nếu bé vẫn tỏ ra mệt mỏi sau khi ngủ dậy, mẹ hãy điều chỉnh lại lịch trình và bố trí thời gian cũng như thời lượng ngủ phù hợp hơn cho bé.

9. Không vội vàng dỗ dành bé

Hắt hơi, nấc, khóc, thở dài là những tiếng ồn khi ngủ của bé nên mẹ chưa cần phải vội vàng chạy đến dỗ dành bé ngay lập tức. Hãy lắng nghe và đợi một chút trước khi kiểm tra bé, trừ khi mẹ cho rằng bé đang không an toàn, không thoải mái hoặc đói.

Nguồn: WebMD, Babycare

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!