Loại thuốc thalidomide ra đời từ năm 1953 và lần đầu tiên được cấp phép sử dụng tại Anh vào năm 1958. Trước đây, thalidomide được coi là thần dược vì nó điều trị hiệu quả các chứng đau đầu, cảm cúm, cảm lạnh và đặc biệt là mệt mỏi vào buổi sáng.
Vào năm 1957, hãng Dược phẩm Đức Chemie Grunenthal đã tung ra thị trường loại thuốc thalidomide trị chứng ốm nghén và mất ngủ ở phụ nữ có thai. Tính đến năm 1961, loại thuốc này đã được bán tại gần 50 quốc gia, trong đó có Đức, Anh, Nhật, Canada, Úc… Tuy nhiên, chỉ trong vòng 10 năm sau khi sử dụng có tới hơn 10.000 trẻ em ra đời với các dị tật, cụt tay, cụt chân, teo mắt...
Loại thuốc từng là “thảm họa” đen tối nhất trong nghiên cứu và chế tạo dược phẩm thế giới.
Những nạn nhân của thalidomide
Một trong những nạn nhân của thalidomide là anh Astbury sinh năm 1959 ở Chester bị cụt tay chân bẩm sinh do mẹ anh đã uống thuốc này khi mang thai.
Hay Jame Smith sinh ra tại Virginia với hai bàn tay không định dạng, không có ngón tay, cánh tay bị cụt gần đến bả vai và ông cho biết khi mang thai bà đã sử dụng thalidomide vào cuối những năm 1970.
Bé Georgina Harrison bị dị tật các đốt ngón tay dính liền nhau do bà nội của bé dùng thalidomide khi mang thai bố bé.
Cô Trish Jackson sinh ra và lớn lên ở Townsville, do chịu ảnh hưởng của thalidomide nên ngay từ khi ra đời đã không có tay, cơ thể cô biến dạng đến mức không có tứ chi. Cô Trish Jackson phải trải qua hàng chục ca phẫu thuật tim và chịu đựng những cơn đau dây thần kinh liên tục từ khi còn bé.
Thống kê cho thấy, chỉ riêng ở Anh đã có khoảng 2.000 trẻ em là nạn nhân của thalidomide được sinh ra trong khoảng năm 1957 đến đầu những năm 1960. Đến nay, ước tính vẫn còn khoảng 5.000 - 6.000 người bị dị tật cụt tay, cụt chân do ảnh hưởng của thalidomide.
Khám phá bí mật của thalidomide
Từ cuối thập niên 50, các bác sĩ Đức bắt đầu nhận thấy sự gia tăng đột biến của các ca dị tật bẩm sinh nhưng không rõ nguyên nhân. Đến năm 1960, bác sĩ nhi khoa Widukind Lenz có báo cáo công bố mối liên hệ giữa trẻ sơ sinh bị dị tật và sản phụ dùng thuốc thalidomide. Đến lúc này, Công ty Grunenthal tiến hành thu hồi toàn bộ thuốc thalidomide khỏi thị trường.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra câu trả lời vì sao sản phụ sử dụng thuốc thalidomide lại sinh ra con bị dị tật. Từ đó đến nay, các nhà khoa học vẫn đi tìm lời giải cho câu hỏi này. Mới đây, các nhà khoa học thuộc Viện ung thư dana-Farber (Mỹ) phát hiện việc người mẹ sử dụng thuốc thalidomide trong khi mang thai khiến phá vỡ một loại protein có tên SALL4 liên quan đến việc giải mã gene. Thiếu các protein này, mô không thể phát triển hoàn thiện thành nội tạng và các chi của thai nhi. Phát hiện này cho thấy sự gián đoạn SALL4 chính là gốc rễ dẫn đến dị tật của các thai nhi.
Những nạn nhân của thuốc thalidomide.
Những phát hiện của các nhà khoa học tại Viện Ung thư Dana-Farber cũng giúp mang lại hy vọng cải thiện thalidomide theo hướng tích cực trong việc điều trị bệnh. Vì thalidomide vẫn có tiềm năng lớn trong điều trị ung thư nhờ khả năng ngăn cản sự phát triển mạch máu trong khối u. Tác giả nghiên cứu - TS. Fischer cho biết: “Khám phá về cơ chế gây dị tật của thalidomide với trẻ sơ sinh sẽ giúp các nhà dược phẩm điều chế loại thuốc chữa trị chứng ốm nghén, an thần hiệu quả cho các sản phụ”.
(Theo Dailymail, tháng 8/2018)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!