Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Bệnh A-Z - 11/24/2024

Tìm hiểu về bệnh Giãn tĩnh mạch thừng tinh trên Hello Bacsi sẽ cho bạn biết về triệu chứng, nguyên nhân, nguy cơ và cách điều trị bệnh hiệu quả.

Định nghĩa

Định nghĩa

Giãn tĩnh mạch thừng tinh (giãn tĩnh mạch tinh hoàn) là bệnh gì?

Giãn tĩnh mạch thừng tinh (hay còn gọi là bệnh giãn tĩnh mạch tinh hoàn) là sự nở rộng của các tĩnh mạch bên trong bìu, tương tự như giãn tĩnh mạch xuất hiện ở chân. Bìu là túi da nằm dưới dương vật và chứa tinh hoàn. Bìu có hai bên, phải và trái. Tĩnh mạch mang máu từ các mô và tế bào trở lại tim, nơi mà tế bào máu có thể lấy oxy. Giãn tĩnh mạch tinh hoàn có thể hình thành ở một bên hoặc cả hai bên. Bệnh thường hình thành ở bên trái do tĩnh mạch ở đây thường chịu áp lực lớn hơn bên phải. Giãn tĩnh mạch tinh hoàn có thể dẫn đến giãn bìu.

Những ai thường mắc phải giãn tĩnh mạch thừng tinh (giãn tĩnh mạch tinh hoàn)?

Giãn tĩnh mạch thừng tinh khá phổ biến, thường xảy ra nhất ở  tuổi thanh thiếu niên trở lên nhưng cũng có thể phát bệnh khi còn nhỏ. Bệnh không ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày nhưng có nguy cơ gây vô sinh. Có đến 40% nam giới vô sinh do giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Triệu chứng và dấu hiệu

Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng của giãn tĩnh mạch thừng tinh (giãn tĩnh mạch tinh hoàn) là gì?

Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường khó nhận ra các triệu chứng. Bệnh nhân không biết mình mắc bệnh cho tới khi bác sĩ kiểm tra bìu. Đôi lúc bệnh nhân nhận thấy bìu lớn hơn nhưng lại không hề thấy đau, hay cảm giác bìu nặng nề hoặc đau âm ỉ. Giãn tĩnh mạch tinh hoàn cũng có thể khiến cho tinh hoàn ở bên bị teo lại do áp lực.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Do giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không có triệu chứng đáng ngại nào nên cũng không cần đi khám hoặc điều trị từ bác sĩ. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy đau, sưng tấy ở bìu, kích cỡ dương vật bất thường hoặc lo ngại trẻ bị giãn tĩnh mạch thừng tinh, bạn nên đi khám hoặc nói chuyện với bác sĩ. Ngoài ra, nếu bạn có các triệu chứng kể trên thì vẫn có khả năng bạn không bị giãn tĩnh mạch thừng tinh mà bị một bệnh khác nghiêm trọng hơn nhưng giống triệu chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra giãn tĩnh mạch thừng tinh (giãn tĩnh mạch tinh hoàn) là gì?

Tĩnh mạch có chứa các van một chiều giúp đẩy máu theo một hướng đến tĩnh mạch lớn hơn. Khi các van bên trong tĩnh mạch ở tinh hoàn và bìu không hoạt động đúng cách, máu dồn lại và khiến các tĩnh mạch này sưng lên. Kết quả là gây ra giãn tĩnh mạch tinh hoàn.

Nguy cơ mắc bệnh

Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc giãn tĩnh mạch thừng tinh (giãn tĩnh mạch tinh hoàn)?

Hiện nay các chuyên gia vẫn chưa tìm ra yếu tố nguy cơ bị giãn tĩnh mạch thừng tinh. Tuy vậy, vài nhà nghiên cứu có giả thiết rằng nguy cơ giãn tĩnh mạch thừng tinh ảnh hưởng bởi chiều cao và cân nặng. Nếu bạn càng cao, khả năng bạn bị giãn tĩnh mạch thừng tinh càng lớn nhưng điều thú vị là béo phì lại giảm nguy cơ giãn tĩnh mạch tinh hoàn.

Điều trị

Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh (giãn tĩnh mạch tinh hoàn)?

Bạn có thể không cần phải điều trị trừ khi xuất hiện các cơn đau hoặc các triệu chứng khác như tinh hoàn teo nhỏ hoặc xuất hiện các vấn đề về khả năng sinh sản. Phương pháp điều trị nếu cần là tiểu phẫu. Các mạch máu sẽ được lấy ra hoặc thắt lại để máu chảy qua các mạch khác. thuật cắt bỏ mạch máu là một ca phẫu thuật nhỏ và cần 1-7 ngày nghỉ ngơi, và có thể khiến người bệnh khó chịu hoặc bầm tím. Tuy nhiện, có khoảng 15% người bệnh sau khi phẫu thuật xong sẽ bị tái phát giãn tĩnh mạch thừng tinh. Nếu điều này xảy ra có thể tiến hành phẫu thuật lại.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh (giãn tĩnh mạch tinh hoàn)?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách kiểm tra bìu. Nếu chẩn đoán chưa rõ, bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm để có hình ảnh của tĩnh mạch trong bìu và loại trừ các nguyên nhân gây sưng bìu không phải do giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của giãn tĩnh mạch thừng tinh (giãn tĩnh mạch tinh hoàn)?

Những việc bạn nên làm để hạn chế diễn tiến của giãn tĩnh mạch thừng tinh:

  • Mang quần lót dành cho vận động viên nếu bạn bị giãn tĩnh mạch thừng tinh lớn;
  • Uống thuốc giảm đau thông dụng như acetaminophen nếu cơn đau kéo dài;
  • Đi khám bác sĩ nếu bạn gặp các triệu chứng kể trên trở nên nghiêm trọng hơn;
  • Gọi bác sĩ nếu bạn có vấn đề về khả năng sinh sản.

Bạn không nên lờ đi các cơn đau hoặc chỗ sưng ở bìu nhằm tránh bệnh trở nặng và không được điều trị hiệu quả.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!