Giáo sư Vạn Thừa Khuê là một 'đại danh y' của Trung Quốc. Mỗi bài phát biểu của ông, dù dài hay ngắn, đều gây tiếng vang lớn. Bài viết sau đây cũng không phải là ngoại lệ.
Giáo sư Vạn Thừa Khuê là một chuyên gia sức khỏe nổi tiếng Trung Quốc. Ông từng là quan chức cao cấp của Bộ y tế Trung Quốc trong nhiều năm, Chủ tịch Hội sức khỏe Trung Quốc.
Sau khi về hưu, ông vẫn tiếp tục làm công việc tư vấn và giảng dạy ở lĩnh vực y khoa. Bất kỳ bài phát biểu nào của ông đều nhận được sự khen ngợi và gây bàn luận xôn xao khắp cộng đồng.
Sau đây là một trong những 'lời vàng' sức khỏe của vị giáo sư 84 tuổi nhưng trông thần thái vẫn trẻ như lứa tuổi 50.
Cơ thể khỏe mạnh luôn có '5 tốt' - bạn thiếu điều nào không?
Tiêu chuẩn về sức khỏe thì có rất nhiều (WHO cũng có bảng tiêu chuẩn 10 điều về sức khỏe), nhưng theo giáo sư Vạn Thừa Khuê, công thức '5 tốt' dưới đây sẽ phản ánh chính xác một người khỏe mạnh hay là không. Chữ 'tốt' ở đây được giáo sư Khuê giải thích là: nhanh gọn, trơn tru, không có trở ngại, ách tắc.
Ai cũng có thể soi mình vào đó để xem đủ '5 tốt' hay không, nếu đủ thì không cần phải đi khám, còn nếu có trục trặc ở bất kỳ vấn đề nào đó thì cần xem xét lại kỹ tình hình sức khỏe bản thân. '5 tốt' đó là:
1. Ăn tốt: Không ăn uống bừa bãi, thích thì ăn, không thích thì thôi. Không ăn thiên lệch, món thì ăn quá nhiều, món lại quá ít, không cân bằng dinh dưỡng. Ăn trong cảm giác ngon miệng, ăn gì cũng cảm thấy ngon và sẵn lòng ăn. Miệng ăn càng ngon thì sức khỏe càng tốt. Ăn không ngon miệng là sức khỏe kém rồi!
2. Đại tiểu tiện tốt: Mỗi ngày đi đại tiện từ 1-2 lần, tiểu tiện trung bình 5-6 lần, đó là tiêu chí thể hiện hệ tiêu hóa và bài tiết đều đang hoạt động tốt. Nếu đại tiểu tiện không đều, là cơ thể bạn đang tiềm ẩn bệnh tật. Cần phải xem xét và can thiệp kịp thời.
3. Nói tốt: Trong vòng 3 phút, bạn có thể trình bày xong một vấn đề khá phức tạp, làm cho người khác hiểu được một cách rõ nghĩa. Đây là tiêu chí chứng tỏ bạn sở hữu trí tuệ minh mẫn, mạch lạc, tư duy tốt.
4. Ngủ tốt:Tiêu chí đánh giá sức khỏe của hệ thống thần kinh vận hành tốt chính là ngủ nhanh, ngủ dễ, ngủ ngon giấc. Người thiếu ngủ, mất ngủ hoặc khó ngủ sâu giấc, đều phải chú ý điều chỉnh ngay.
5. Đi tốt: Tiêu chí này thể hiện cơ bắp và xương cốt vẫn còn hoạt động tốt. Đi lại thuận tiện là một trong những điều kiện để đảm bảo rằng bạn đang sở hữu một sức khỏe ổn định.
10 tiêu chuẩn sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
1. Tinh thần và sức lực dồi dào, có thể bình tĩnh xử lý mọi sinh hoạt và công việc hàng ngày.
2. Lạc quan yêu đời, thái độ tích cực, vui vẻ gánh vác công việc chung.
3. Khéo nghỉ ngơi, ngủ ngon giấc.
4. Năng lực ứng biến tốt, có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh.
5. Có sức đề kháng nhất định đối với cảm cúm và bệnh truyền nhiễm thông thường.
6. Thể trọng hợp lý, ngoại hình cân đối.
7. Mắt tinh, phản ứng nhạy bén, mí mắt không bị viêm.
8. Răng sạch, không thiếu, không đau, màu sắc nướu lợi bình thường, không bị chảy máu.
9. Tóc óng mượt, không không xơ xác, gãy rụng.
10. Cơ bắp, làn da có tính đàn hồi, đi lại nhẹ nhàng, uyển chuyển, linh hoạt.
Bên cạnh đó, sức khỏe con người còn phụ thuộc vào môi trường sống và sự tự rèn luyện bản thân. Môi trường sống xung quanh bao gồm nhân tố sinh vật, vật lý, hóa học, xã hội, kinh tế, văn hóa, lối sống sinh hoạt hàng ngày, yếu tố vệ sinh, nhân tố di truyền.
Để đạt được tiêu chuẩn '5 tốt' đòi hỏi con người phải rèn luyện rất nhiều, giáo sư Khuê khuyên tối thiểu áp dụng 4 nhiệm vụ sau.
1. Chú ý tập luyện, kết hợp giữa động và tĩnh.
2. Ăn uống hợp lý, kết hợp lao động và nghỉ ngơi.
3. Lạc quan, độ lượng, bình tĩnh giải quyết công việc.
4. Trang bị thêm những hiểu biết thông thường về vệ sinh, bảo vệ sức khỏe.
Lời khuyên 'vàng' dành cho mọi lứa tuổi
* Đối với trẻ em: Lời cảnh tỉnh từ chuyện 18 con tôm
Chuyện xảy ra ở Bắc Kinh trong một gia đình rất giàu có. Cậu con trai nói thích ăn tôm, người mẹ liền đi mua ngay 18 con về nấu cho con ăn. Đứa trẻ ăn một mạch hết 17 con, còn thừa một con không ăn hết vì quá no.
Người mẹ ăn nốt con tôm thừa cho gọn. Sang ngày hôm sau, đứa trẻ đập bàn lớn tiếng quát tháo mẹ: 'Tại sao mẹ đã ăn con tôm của con?'. Đó chỉ là một tình huống nhỏ đến mức vặt vãnh, nhưng nó thể hiện một lỗ hổng quá lớn không thể lấp đầy trong việc nuôi dạy con cái.
Những ông bố bà mẹ có cách nuông chiều con thái quá, sẽ sinh ra những đứa trẻ có lối sống ích kỷ, cực đoan, chỉ biết đến bản thân mình, không quan tâm đến những vấn đề xung quanh, và đặc biệt, chúng không hề có ý thức sống chung hòa thuận với cộng đồng, không nỗ lực lao động.
Chính cha mẹ đã tạo ra một thế hệ trẻ khiếm khuyết về cách sống mà sau khi nhận ra thì đã quá muộn. Vì vậy, dù nhà bạn có giàu có cỡ nào, con bạn cũng không nên trở thành một đứa trẻ phú quý ngay từ khi còn nhỏ. Hãy để chúng tự làm việc và biết yêu lao động, tự tuy dưỡng tâm tính và biết cách chăm sóc sức khỏe chính bản thân mình một cách khoa học, lành mạnh.
* Đối với thanh niên và trung niên: Phải quan tâm chăm sóc sức khỏe ngay từ hôm nay
Mỗi buổi sáng sớm, ở nông thôn thì không nói, nhưng ở thành phố, những nơi đông đúc chật hẹp, đều xuất hiện những người lớn tuổi tập thể dục. Người thì chạy, nhảy, người khiêu vũ, múa thái cực quyền, đi bộ hoặc tham gia bài tập theo nhóm, rất nhộn nhịp và vui tươi.
Cũng trong thời khắc đó, hầu hết thanh niên đang ngủ nướng, nằm ườn trên giường một cách lười biếng. Thậm chí, có rất nhiều thanh duy trì lối sống thiếu lành mạnh, sinh hoạt vô độ không dựa vào nguyên tắc nào cả.
Họ bỏ bữa ăn sáng, ăn tối thì nhồi nhét hết sức, đêm không ngủ mà thức thâu đêm, rồi buổi sáng không tỉnh dậy, nằm ngủ không màng đến giờ giấc. Điều này là do đâu, liệu thanh niên họ có ý thức được việc làm này sẽ để lại hậu quả gì?
Một thực tế khám nghiệm lâm sàng cho thấy, các bệnh vốn dĩ xưa nay thuộc về người già, chỉ có người già mới có nguy cơ mắc bệnh như tim mạch, huyết quản tắc nghẽn, đột quỵ não… Thì hiện nay, xu thế người trẻ mắc bệnh đã trở nên quá phổ biến, thậm chí sớm hơn tận 20 năm.
Có những người mới chỉ bước vào tuổi trung niên, thậm chí đang là thanh niên đã mắc các bệnh đặc trưng của người cao tuổi. Điều này là do đâu? Tôi khẳng định luôn là do lối sống thiếu lành mạnh gây ra cả.
Vì thế, muốn có sức khỏe tốt, muốn sống thọ với chất lượng sống cao, việc chăm sóc sức khỏe phải được thực hiện ngay từ khi còn nhỏ, ngay bây giờ, khi bạn đang nghe tôi nói. Nếu trì hoãn việc này, là bạn đang tự chối bỏ món quà sức khỏe quý giá mà cuộc sống đã ban tặng.
* Đối với người già: Hãy xem mình là một 'lão thiếu niên' kể cả khi đã 80 tuổi
Thế kỷ 21 được xem là kỷ nguyên của sự trường thọ, đây là tuyên bố của cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan với thế giới vào năm 1999. Hiện nay, tuổi trung bình của thế giới là 66 tuổi, ở Trung Quốc là 71,8 tuổi, Nhật Bản là 81,9 tuổi.
Bây giờ ở nhiều nước còn lưu truyền câu nói ví von hài hước nhưng cũng là để phản ánh thực tế về tuổi thọ đang ngày càng nâng cao. Đó là '100 tuổi vẫn cười hihi, người 90 chẳng có gì là hiếm, người 80 thì đông như hội, người 70 chỉ là em út, người 60 như bé trong nôi'.
Vì vậy, khi 60 tuổi chuẩn bị nghỉ hưu, đừng xem đó là giai đoạn kết thúc, nghỉ việc, già cỗi. Mà hãy xem là giai đoạn bắt đầu một cuộc sống mới. Hãy duy trì một tâm trạng sống vui vẻ hạnh phúc, coi mình như một 'lão thiếu niên'. Đây chính là điểm mấu chốt quyết định việc bạn có tiếp tục sống khỏe sống thọ hay không sau khi nghỉ hưu.
* Đối với người hút thuốc: Một điếu thuốc lấy đi của bạn 7 phút cuộc đời
Mọi nghiên cứu về tác hại của thuốc lá hầu hết đã được công bố. Và chắc chắn rằng hầu hết những người hút thuốc lá đều đã từng nghe qua. Nhưng tại sao họ vẫn hút? Đó là một câu hỏi lớn.
Mỗi một điếu thuốc khi hút, sẽ tạo ra hàng trăm loại chất độc. Mất khoảng 6 giây, các chất độc đó sẽ vào tới não. Nghiên cứu thống kê cho thấy, hút một điếu thuốc có thể rút ngắn 7 phút tuổi thọ, bạn cứ thế mà tự nhân ra kết quả.
Những người hút thuốc, có tỉ lệ tuổi thọ trung bình thấp hơn người không hút thuốc khoảng từ 20-25 năm. Người hút thuốc cũng có tỉ lệ mắc bệnh ung thư phổi cao gấp 15 lần so với người không hút.
Vậy, hút thuốc hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của chính mỗi người. Hút thuốc và sức khỏe đều là việc bạn có thể tự quyết định cho chính cuộc đời mình.
* Đối với người trầm cảm: Chỉ có nụ cười mới giúp bạn chữa khỏi bệnh
Tôi biết rất rõ rằng, có nhiều người không phải chết vì già yếu, mà là chết vì tức giận. Vì thế, hãy học cách tự biết kiềm chế và điều chỉnh cảm xúc của mình.
Hãy chịu có luyện thành thói quen cười nhiều, thích cười và suy nghĩ hài hước. Đây là bài thuốc tốt nhất, rẻ nhất để chữa căn bệnh trầm cảm, căng thẳng, mệt mỏi và áp lực.
Các chuyên gia tâm sinh lý Pháp từng nghiên cứu cho thấy, con người nên cười mỗi ngày tổng cộng khoảng 30 phút. Mỗi 1 phút cười, sẽ tạo niềm hứng khởi để cơ thể thoái mái thư giãn trong thời gian 47 phút sau đó.
Vì vậy, Trung Quốc có câu nói nổi tiếng, 'mỗi ngày cười 3 tràng, bác sĩ sẽ giải nghệ'.
*Theo Health/Fuye
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!