Giúp chị em giảm mệt mỏi trong kỳ “đèn đỏ”

Sức khỏe sinh sản - 03/29/2024

Trong những ngày “đèn đỏ” của phụ nữ, mệt mỏi là một trong những thay đổi không mong muốn thường gặp nhất có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày ở nữ giới.

Trong những ngày “đèn đỏ” của phụ nữ, mệt mỏi là một trong những thay đổi không mong muốn thường gặp nhất có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày ở nữ giới. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể giảm thiểu và phòng tránh được nhờ vào sự hiểu biết.

Nguyên nhân gây mệt mỏi trong kỳ “đèn đỏ”

Do rối loạn hormon: Có mối liên kết trực tiếp giữa giảm nồng độ estrogen trong kỳ “đèn đỏ” và sự mệt mỏi. Estrogen là một hormon sinh dục quan trọng ở nữ giới. Estrogen có thể giúp tăng tốc quá trình trao đổi chất và khi nồng độ estrogen giảm, sự trao đổi chất của cơ thể sẽ chậm lại khiến người phụ nữ cảm thấy mệt mỏi.

Rối loạn giấc ngủ: Trong thời gian này, người phụ nữ dễ gặp các vấn đề về giấc ngủ, ngủ không đủ giấc, ngủ không sâu hay thức giấc do ra nhiều máu, do đau bụng co thắt khó chịu… Tất cả những rối loạn vừa nêu khiến bạn cảm thấy mệt mỏi thêm.

Thiếu vận động: Trong quá trình vận động, tập thể dục, cơ thể giải phóng ra endorphin và cơ thể sử dụng hormon này để chống lại tình trạng mệt mỏi. Thiếu vận động và không tập thể dục trong kỳ “đèn đỏ” có thể làm gia tăng cảm giác mệt mỏi.

Thiếu máu: Trong thời gian “đèn đỏ” dễ bị thiếu máu do thiếu sắt. Thiếu máu hạn chế khả năng vận chuyển oxy đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể. Nếu bạn có tình trạng tuần hoàn kém và thiếu oxy, bạn có thể cảm thấy rất mệt mỏi.

Thiếu nước: Mất nước và máu trong thời gian “đèn đỏ” có thể gây tình trạng thiếu nước trong cơ thể và làm cho nồng độ muối tăng cao. Các tình trạng này có thể gây ra chuỗi phản ứng phụ đối với sức khỏe mà kết quả là sự mệt mỏi.

Giúp chị em giảm mệt mỏi trong kỳ “đèn đỏ”Đi bộ là một cách giúp chị em giảm khó chịu trong những ngày “đèn đỏ”. (ảnh minh họa). Ảnh: T. Minh

Các biện pháp khắc phục

Ăn các bữa ăn nhỏ trong ngày: Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày sẽ giúp có nhiều năng lượng hơn, bởi vì năng lượng cần thiết để tiêu hóa cho một bữa ăn lớn là đáng kể và thường làm người ta mệt mỏi hơn. Hãy chọn đồ ăn nhẹ lành mạnh để ăn giữa các bữa ăn chính và nên điều chỉnh khẩu phần của các bữa ăn cho phù hợp với tình trạng sức khỏe bản thân trong thời gian “đèn đỏ”.

Tiêu thụ thêm protein: Hãy ăn thức ăn có nhiều chất đạm trong kỳ “đèn đỏ”. Protein sẽ giúp cơ thể khắc phục được những rối loạn đường máu tạm thời. Protein cũng giúp sản xuất và giải phóng các hormon chống lại sự mệt mỏi. Một số thực phẩm chứa nhiều protein bao gồm thịt gia súc, gia cầm, cá, tôm. Đối với người ăn chay, các loại đậu (đậu xanh, đậu Hà Lan, đậu nành), hạnh nhân và hạt hướng dương là những thực phẩm giàu protein có thể lựa chọn.

Tiêu thụ ít đường và carbohydrate: Nên sử dụng ít đường và carbohydrate (tinh bột) trong chế độ ăn uống trong thời gian “đèn đỏ”. Mặc dù chúng có thể bù ngay năng lượng nhanh trong ngắn hạn, nhưng sau đó lại dễ rơi vào tình trạng thiếu năng lượng do đường và carbohydrate được chuyển hóa rất nhanh trong cơ thể. Các nghiên cứu đã xác định có mối liên quan giữa việc sử dụng nhiều đường và carbohydrate với sự mệt mỏi cơ thể trong thời gian “đèn đỏ”. Vì vậy, bạn nên chống lại sự cám dỗ của một miếng bánh ngọt hoặc một cốc kem, thay vào đó, chọn các loại thực phẩm giàu protein để đáp ứng cho sự thèm muốn và sẽ mang lại nhiều năng lượng hơn cho cơ thể.

Quan tâm đến tình trạng thiếu máu: Mất máu và không bù đắp đủ dinh dưỡng trong thời gian “đèn đỏ” sẽ góp phần làm bạn cảm thấy mệt mỏi, nhưng bạn có thể ngăn ngừa tình trạng thiếu máu bằng cách sử dụng chế độ ăn giàu chất sắt. Đậu, đậu lăng, rau lá xanh và thịt bò là những thực phẩm giúp cung cấp cho cơ thể đầy đủ chất sắt. Nếu cơ thể vốn có tình trạng thiếu máu, nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn kịp thời.

Tăng cường tập thể dục: Tập thể dục đều đặn và mức độ vừa phải trong thời gian “đèn đỏ” rất có lợi cho cơ thể và cũng giúp làm giảm mức độ mệt mỏi. Bạn nên dành 30 phút tập thể dục hàng ngày, như đi bộ chẳng hạn, cho thấy có sự cải thiện sự mệt mỏi và giúp sự cân bằng hormon tốt hơn. Endorphin, được phóng thích khi bạn hoạt động, đóng vai trò như chất hóa học cải thiện tâm trạng, giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn và ít mệt mỏi hơn. Sau khi tập thể dục, bạn cũng sẽ có chất lượng giấc ngủ tốt hơn.

Giữ đủ nước cơ thể: Cố gắng uống hơn 6-8 ly nước và các chất lỏng dinh dưỡng khác trong ngày và cũng nên tăng cường thêm các loại rau có hàm lượng nước cao trong chế độ ăn uống của bạn.

Ngủ đủ giấc: Cơ thể cần từ 7-9 giờ để ngủ và tái tạo sức khỏe. Một cách để cải thiện giấc ngủ là tránh dùng caffein và rượu trước khi ngủ. Áp dụng các kỹ thuật thư giãn như yoga và thiền, nghe nhạc êm dịu cũng rất hữu ích trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Dùng các chất bổ sung: Việc sử dụng thuốc bổ đa vitamin sẽ giúp bạn chống lại sự mệt mỏi trong thời gian “đèn đỏ”. Khuyến cáo sử dụng 200mg magiê hàng ngày làm giảm các triệu chứng khó chịu. Bạn cũng có thể dùng magiê cùng với vitamin B6 nếu các triệu chứng trong thời gian “đèn đỏ” có mức độ nghiêm trọng. Dùng 1.200mg canxi cacbonat hàng ngày cũng đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc làm giảm mệt mỏi trong thời gian “đèn đỏ”.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!