1. Giải thích cho bé thế nào là 'vùng kín'
Hãy giải thích cho bé hiểu con người ai cũng có những vùng đặc biệt riêng tư trên cơ thể, những nơi đó được gọi là ‘vùng kín’. Đối với những trẻ còn quá nhỏ, chỉ trừ lúc cha mẹ giúp các em tắm rửa hoặc trường hợp cần thiết phải kiểm tra khi đi khám bệnh, còn lại bất cứ ai cũng không được phép chạm vào vùng kín của các em. Hãy dặn bé rằng nếu có người cố tình thực hiện hành vi đó thì phải nói lại ngay với cha mẹ, cha mẹ sẽ không tức giận với bé mà nhất định giúp bé giải quyết vấn đề.
2. Cho con biết về quyền tự bảo vệ
Người lớn đến chơi nhà thường hay đùa nghịch với trẻ bằng cách xoa đầu hay cầm nắm tay chân. Bạn có thể tận dụng cơ hội này để cho con biết về quyền tự bảo vệ. Hãy nói với bé rằng: ‘Chỉ cần con không muốn thì không ai được phép tự tiện chạm vào con’. Nếu cha mẹ luôn nói với con rằng hãy để người lớn đùa nghịch vì điều đó nghĩa là họ yêu quý con, thì rất có thể vô tình bạn đã làm bé mất đi ý thức tự bảo vệ.
Cha mẹ nên chia sẻ với con những vấn đề nhạy cảm để bé có thông tin chính xác nhất (Ảnh: Internet)
3. Hãy luôn là chỗ dựa an toàn của bé
Chăm sóc, bảo vệ con cái là hiển nhiên cha mẹ cần làm, tuy nhiên, bạn cũng đừng quên thường xuyên khẳng định và nhấn mạnh với bé rằng: ‘Trong bất kỳ trường hợp nào, dù sợ hãi hay đau đớn, con đều có thể tìm đến cha mẹ. Mọi chuyện sẽ ổn thôi vì cha mẹ luôn ở bên và yêu thương con’. Điều này sẽ giúp trẻ thoải mái chia sẻ, tâm sự với cha mẹ về những thắc mắc thầm kín, những nỗi đau không biết chia sẻ cùng ai.
4. Hướng dẫn con sử dụng Internet an toàn
Trẻ em ngày nay được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ như ipad, smartphone… từ rất sớm. Hãy hướng dẫn con những kiến thức và kĩ năng cần thiết khi sử dụng các thiết bị này, đặc biệt là cách dùng Internet sao cho an toàn. Các bậc phụ huynh hãy dạy con rằng phải cẩn thận khi tiết lộ thông tin cá nhân trên bất kì trang web nào và những cuộc trò chuyên qua mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ra sao. Tốt nhất bạn nên cài đặt các phần mềm, ứng dụng hạn chế bớt tính năng truy cập các trang web không cần thiết với mục đích sử dụng của con trẻ.
5. Đừng né tránh những vấn đề ‘nhạy cảm’
Trẻ đến tuổi dậy thì sẽ có những thay đổi nhất định trên cơ thể, điều này chắc chắn sẽ khơi dậy trong bé sự tò mò. Lúc này, các bậc cha mẹ cần có những cuộc trao đổi thẳng thắn, kịp thời với con về vấn đề giới tính và dậy thì, giúp con giải đáp những thắc mắc hoặc cùng con tìm kiếm các câu trả lời từ các chuyên gia. Có sự hướng dẫn của cha mẹ sẽ tốt hơn là để trẻ tự tìm kiếm trên mạng vì ở đó có thể có nhiều nguồn tin không lành mạnh và đáng tin cậy.
6. Dạy trẻ tìm sự giúp đỡ từ những người đáng tin cậy
Một số em nhỏ khi gặp phải trường hợp bị xâm hại tình dục lại không thể ngay lập tức báo cho cha mẹ biết. Vì thế trong quá trình giáo dục con cái về vấn đề này, bạn cũng nên dặn dò con xác định sẵn cho mình những người bé tin tưởng để liên lạc khi cần thiết. Ngoài ra, các cha mẹ nhất định phải luôn nhấn mạnh với con rằng dù bất kì trường hợp xấu nào xảy ra cũng không phải lỗi của bé và cha mẹ sẽ không trách cứ gì. Thực tế chứng minh nhiều vụ việc lạm dụng tình dục trẻ em không được phát hiện kịp thời do các em có tâm lý sợ hãi và giấu giếm.
Thanh Lê
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!