Với người bệnh đái tháo đường
Vào dịp nghỉ Tết dài ngày, người bệnh sẽ khó khăn hơn trong việc kiểm soát thực phẩm vì bị lệ thuộc vào cỗ bàn ngày Tết và việc giao lưu thăm hỏi khiến lịch sinh hoạt thất thường.
Do đó, việc đầu tiên là điều chỉnh lịch sinh hoạt: Cố gắng ăn uống, hoạt động thể chất và dùng thuốc đều đặn gần với thời gian bình thường quy định. Trong một bữa tiệc, hạn chế bị thức ăn ngon cám dỗ bằng cách chủ động lấy vừa đủ lượng đồ ăn cần thiết. Ưu tiên các loại rau quả. Ăn chậm, nhai kỹ và tăng cường thưởng thức các hương vị để tạo cảm giác no; Tránh hoặc hạn chế uống rượu bia do rượu bia có thể làm giảm lượng đường trong máu và tương tác bất lợi với các thuốc điều trị đái tháo đường. Không hút thuốc lá và tránh khói thuốc lá trong những lúc giao lưu tiệc tùng ngày Tết.
Tăng cường hoạt động thể chất: Nên đi bộ khi thăm hỏi các nhà gần, tổ chức cùng gia đình đi dạo, vãn cảnh, hái lộc và lễ chùa đầu năm. Sau một bữa ăn tối ngày Tết, đợi 1-2 giờ sau ăn, nên đi bộ. Bạn chỉ cần đi bộ 30 phút hàng ngày là sẽ đem lại hiệu quả mong muốn.
Ngủ đủ giấc: Trong các ngày nghỉ Tết, mọi người đi ra ngoài thường xuyên hơn, đi xuyên trưa và về nhà khuya, thời gian để ngủ sẽ ít hơn. Ngủ ít và mất ngủ có thể làm rối loạn lượng đường trong máu. Do vậy, khuyến nghị, người bệnh đái tháo đường cần ngủ đủ 6-8 giờ mỗi đêm để giúp ổn định đường máu tốt hơn.
Chuẩn bị nguồn thuốc: Có đủ thuốc điều trị đái tháo đường hàng ngày, dùng đủ trong kỳ nghỉ Tết dài và trước khi đi tái khám trở lại. Dùng thuốc đều đặn và đúng giờ. Phải bảo quản thuốc theo đúng quy định.
Tránh lạm dụng rượu bia trong các bữa tiệc.
Kiểm tra đường máu: Có thể tự kiểm tra đường máu nhanh bằng máy kiểm tra tại nhà và điều chỉnh thuốc theo hướng dẫn nếu cần thiết.
Kiểm tra cân nặng và giảm cân: Tự kiểm tra cân nặng để tiết chế ăn uống và điều chỉnh lối sống khi có tăng cân trong kỳ nghỉ Tết dài. Trên thực tế, chỉ cần mất khoảng 7% trọng lượng cơ thể có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường lên đến 60%. Vì vậy, kiểm soát tốt trọng lượng là giải pháp hữu hiệu nhất giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường.
Với người mắc tăng huyết áp và bệnh tim mạch
Ưu tiên điều chỉnh lối sống: Khi kỳ nghỉ Tết dài, nhà nào cũng dự trữ và mời nhau nhiều thực phẩm giàu chất béo, quá nhiều món ăn ngọt hay mặn có thể là một gánh nặng cho người bị tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Tốt nhất nên hạn chế ăn đồ chiên, thức ăn nhanh, thực phẩm quá ngọt hay quá mặn; Tránh hút thuốc và hút thuốc lá thụ động. Nếu bạn cần tham dự một bữa liên hoan, nên ăn một bữa ăn nhẹ lành mạnh trước khi đi và phải có ý thức lựa chọn thức ăn phù hợp với bệnh tăng huyết áp, tim mạch.
Hạn chế lượng muối: Chỉ cần giảm chút ít natri (muối) trong chế độ ăn uống của bạn có thể làm giảm huyết áp từ 2-8mmHg. Vì vậy, nên hạn chế lượng muối dưới 2.300mg mỗi ngày hoặc ít hơn. Tránh dùng các thực phẩm chế biến sẵn vì loại này thường nhiều muối hơn mức cần thiết.
Tránh hoặc hạn chế uống rượu bia: Lễ Tết khó tránh khỏi chút bia rượu nhưng uống quá mức sẽ làm tăng huyết áp. Rượu bia cũng có thể làm giảm tác dụng của thuốc huyết áp và thuốc tim mạch.
Hạn chế lượng caffein: Hạn chế các đồ uống chứa cafein càng nhiều càng tốt bởi caffein có thể làm tăng huyết áp.
Ưu tiên một số thực phẩm có lợi: Đó là chanh, bởi chanh cung cấp nhiều vitamin C và có tác dụng như một chất chống oxy hoá trong cơ thể. Chanh còn giữ cho mạch máu mềm dẻo linh hoạt, hạn chế xơ cứng động mạch, ngăn ngừa chứng tăng huyết áp. Nửa trái chanh ép lấy nước pha với một cốc nước ấm và uống vào buổi sáng khi dạ dày trống rỗng sẽ giúp hạ huyết áp. Trong các bữa tiệc giao lưu, chỉ cần bạn chú ý hơn và tăng cường sử dụng chanh cùng với các món ăn là ổn.
Một số nghiên cứu đã phát hiện rằng tỏi có thể giúp hạ huyết áp, giảm mức cholesterol máu. Pha khoảng 6 giọt nước tỏi ép vào 4 muỗng cà phê nước lọc, dùng 2 lần/ngày để hỗ trợ hạ huyết áp. Trong khi ăn tiệc giao lưu, bạn có thể dùng thêm tỏi cùng với các món ăn bạn thấy thích hợp.
Vẫn duy trì tập thể dục đều đặn: Tốt nhất là duy trì đi bộ 30 phút/ngày. Nếu gặp trời rét trong dịp nghỉ Tết, nên tập trong nhà những môn phù hợp như tập dưỡng sinh, khí công, yoga, thái cực quyền.
Đo huyết áp hàng ngày: Cần tự kiểm tra huyết áp hàng ngày, ghi vào nhật ký và có thể điều chỉnh liều thuốc nếu cần thiết với sự tư vấn của bác sĩ.
Chuẩn bị nguồn thuốc và sự trợ giúp: Nên dự trữ đủ thuốc cho các ngày nghỉ, trước khi đi tái khám sau kỳ nghỉ Tết. Cũng nên trao đổi với bác sĩ để dự trữ một số thuốc cấp cứu và phù hợp với bệnh tim mạch mà bạn đang mắc phải. Nên hỏi bác sĩ, ghi lại và nhớ các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo nguy cơ bệnh tim mạch như yếu người đột ngột, đau thắt ngực, khó thở, khó nói..., cần phải báo ngay cho bác sĩ.
Hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Áp dụng các biện pháp dự phòng: Rửa tay bằng xà phòng và nước đúng cách và thường xuyên là một trong những cách đơn giản nhất và tốt nhất để tránh lây lan cảm cúm và các virut khác trong khi có các cuộc giao lưu dày đặc ngày Tết. Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối và giữ ấm cơ thể. Tiêm phòng vắc-xin cúm và viêm phổi để giúp chống lại các bệnh hô hấp.
Tránh khói thuốc lá và khói hương: Người bệnh nên tránh các khói kích thích phổi, đặc biệt là khói từ bếp ăn, dầu hỏa, nến thơm, hương và nguy hiểm nhất là khói thuốc lá. Che kín miệng và tránh hít thở không khí lạnh.
Ăn uống đủ chất và tránh mất nước: Chọn các món ăn theo chế độ dinh dưỡng đã được bác sĩ hướng dẫn, tránh các thực phẩm gây dị ứng và làm khởi phát cơn hen. Uống 6-8 ly nước ấm hàng ngày để làm ẩm đường thở và long đờm dễ hơn. Không uống cà phê hay rượu vì dễ làm cơ thể mất nước.
Có một kế hoạch hành động xử trí hen suyễn và COPD
Nếu có các triệu chứng cảnh báo nguy cơ khó thở, cần tự xử trí ngay trong giai đoạn sớm theo hướng dẫn của bác sĩ đã tư vấn trước đó. Tự nhận biết các triệu chứng nặng để gọi ngay bác sĩ và nhập viện khi cần.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!