Trong đó, việc TP Hà Nội rà soát tiến tới thực hiện hỗ trợ cho NCT sinh con một bề là gái mà trước đó không có bất kỳ khoản trợ cấp nào đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng…
Nhiều người cao tuổi được vinh danh tại Hội nghị biểu dương người cao tuổi sinh con một bề là gái tại Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: TL
Rà soát tiến tới hỗ trợ NCT sinh con một bề là gái
Mới đây, UBND phường Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) đã ra một văn bản gửi đến các Tổ trưởng Tổ dân phố trên địa bàn về việc báo cáo, rà soát nhu cầu NCT sinh con một bề là gái không có lương hưu, trợ cấp bảo trợ xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công để có chính sách hỗ trợ.
Trước thông tin trên, trả lời báo chí, bà Ngô Thị Minh Hằng, Phó Chủ tịch UBND phường Đội Cấn (người trực tiếp ký văn bản này) xác nhận, trên địa bàn phường đã tiến hành việc rà soát những NCT sinh con một bề là gái chưa được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp nào. Con số cụ thể đang được tổng hợp lại.
Trong khi đó, đại diện Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB&XH TP Hà Nội) cho biết, việc này mới đang ở khâu rà soát số lượng, thăm dò lấy ý kiến của người dân xác định nhu cầu đời sống của đối tượng gặp khó khăn như thế nào để nghiên cứu xây dựng chính sách rồi đề xuất lên UBND thành phố chứ chưa có chính sách cụ thể.
Đề cập đến thực trạng NCT trên địa bàn, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Cùng với cả nước, Hà Nội đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ NCT chiếm cao. Theo báo cáo của 30 quận/huyện, NCT hiện chiếm 12,7% dân số toàn thành phố. Những năm qua, NCT với vai trò là những người có uy tín trong cộng đồng đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có việc tham gia vận động người dân, đặc biệt là con cháu trong gia đình thực hiện tốt chính sách dân số của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, NCT trên địa bàn cũng tích cực tham gia các cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa. Rất nhiều NCT đã trở thành những hạt nhân trong các phong trào, là nòng cốt trong các hoạt động truyền thông về công tác DS-KHHGĐ, là chỗ dựa tinh thần không chỉ cho gia đình mà cho cả cộng đồng.
Ngoài ra, các cấp Hội NCT của các khu phố trên địa bàn còn lồng ghép phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng” cùng với các Ban, ngành đoàn thể để vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số; thực hiện quy mô gia đình nhỏ, có hai con; không lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh, góp phần quan trọng vào kết quả giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cũng như giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của toàn thành phố.
Chủ trương ý nghĩa, nhân văn
Cũng theo ông Hoàng Đức Hạnh, từ năm 2005, Hà Nội đã triển khai mô hình Chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, từ năm 2017, TP Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình NCT có con một bề là gái. Đây là mô hình can thiệp nhằm nâng cao vai trò, vị thế của NCT khi sinh con một bề là gái; nâng cao trách nhiệm của các tổ chức xã hội và cộng đồng đối với NCT, từ đó, thay đổi quan niệm phải có con trai để phụng dưỡng lúc tuổi già của người dân, góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Về việc Hà Nội dự định hỗ trợ NCT sinh con một bề là gái mà trước đó không có bất kỳ khoản lương hay trợ cấp nào, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, trong Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 có đề cập đến việc xây dựng các mô hình tôn vinh và hỗ trợ những gia đình sinh con một bề là gái. Tuy nhiên, việc xây dựng như thế nào, hỗ trợ ra sao hiện vẫn chưa được thống nhất (vẫn còn một số quan điểm trái ngược nhau) thành chính sách nhất quán nên chỉ dừng lại ở việc thực hiện mô hình ở một số địa phương trên cả nước.
Đánh giá về chủ trương này, bà Nguyễn Thanh Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế đa chức năng quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, nếu làm được việc này, kịp thời quan tâm và có chính sách hỗ trợ những NCT khi NCT có nhu cầu thì là việc làm quá tốt. “Đây vừa là việc giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thể hiện sự quan tâm đến những người thực hiện tốt chính sách dân số, mặt khác, khuyến khích, động viên họ vận động con cháu sinh con tự nhiên, không phân biệt trai gái để đảm bảo sự cân bằng giới tính khi sinh”, bà Hiếu cho biết.
Cũng theo bà Nguyễn Thanh Hiếu, thời gian qua, trên địa bàn quận Ba Đình đã thành lập CLB Chăm sóc và phát huy vai trò của NCT tại cộng đồng – vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số. CLB là sự phối hợp giữa ngành Dân số và Hội NCT trên địa bàn. Qua quá trình hoạt động đã đem lại rất nhiều hiệu quả tích cực đáng ghi nhận.
Trên thực tế, ngoài chủ trương hỗ trợ NCT sinh con một bề là gái, thời gian qua, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 – 2025 nhằm hướng tới việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho NCT cũng như phát huy vai trò, vị thế của NCT trong cộng đồng. Nội dung Đề án tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng như: Nâng cao năng lực cho Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trong thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT; nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho các khoa Lão của Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh và Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Đề án cũng đề ra nhiệm vụ xây dựng triển khai thí điểm xã hội hóa mô hình chăm sóc sức khỏe NCT ban ngày và chăm sóc y tế cho NCT ở các cơ sở dưỡng lão.
Hay mới đây, tại Phiên họp của Ủy ban Quốc gia về NCT được tổ chức hồi tháng 1 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị, trong năm 2019 các cấp, ngành, địa phương cần tập trung khắc phục tình trạng “quên” bố trí kinh phí và phải hoàn thành việc lập Quỹ chăm sóc, phát huy vai trò NCT ở các cấp theo quy định của Luật Người cao tuổi. Đồng thời, phấn đấu đến hết năm 2019 có 100% NCT đều sở hữu thẻ BHYT, nâng cao chất lượng khám sức khỏe định kỳ, ban đầu cho NCT.
Theo thống kê, đến hết năm 2018, cả nước hiện có hơn 11,3 triệu NCT, chiếm 11,95% dân số. Trong đó, khoảng 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,6% tổng số NCT); 3,1 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH; hơn 1,6 triệu người hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; khoảng 1,4 triệu người hưởng trợ cấp người có công.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!