Hai bệnh nhân COVID-19 rất nguy kịch phải chạy ECMO hiện ra sao?

Thời sự - 11/24/2024

Bệnh nhân 416 dù đã 4 lần âm tính SARS-CoV-2 nhưng hình ảnh X quang phổi cho thấy đã xơ hoá, đông đặc phổi lan tỏa 2 bên.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, nước ta đã điều trị khỏi cho 735 ca, 34 ca tử vong. Trong số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, 117 ca có kết quả âm tính ít nhất 1 lần với SARS-CoV-2.

Báo cáo cũng cho biết, hiện có 8 trường hợp được đánh giá tiên lượng nặng và nguy kịch. Trong 8 trường hợp này, 5 trường hợp được tiên lượng rất nặng và 3 trường hợp tiên lượng tử vong bất cứ lúc nào. Số trường hợp mắc COVID-19 tiên lượng nặng và nguy kịch chủ yếu thuộc nhóm lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng.

Cả nước hiện còn 2 ca chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) là bệnh nhân 416 và bệnh nhân 793. Theo BS Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, bệnh nhân 416 - người mắc COVID-19 đầu tiên của Đà Nẵng trong giai đoạn 2 này - đã khỏi COVID-19.

Hai bệnh nhân COVID-19 rất nguy kịch phải chạy ECMO hiện ra sao?

Ảnh minh hoạ

Bệnh nhân 416, 57 tuổi, được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 23/7 có bệnh lý tăng huyết áp vô căn. Bệnh nhân suy hô hấp, diễn tiến nặng dần, được đặt ống nội khí quản thông khí nhân tạo tại Bệnh viện C Đà Nẵng, sau đó chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng điều trị tiếp.

Tối 24/7, bệnh nhân không đáp ứng với thở máy, được hội chẩn quyết định thực hiện ECMO (tim phổi nhân tạo). Trong quá trình điều trị, bệnh nhân tiếp tục diễn tiến nặng, đông đặc phổi 2 bên, xẹp phổi và xuất huyết phế nang nặng, được nội soi hô hấp ngày 4/8, tiến hành mở khí quản ngày 5/8.

Ngày 6/8, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Tình trạng oxy hóa máu phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO và máy thở. Bệnh nhân tiếp tục được lọc máu liên tục. Đến nay, hình ảnh X quang phổi cho thấy bệnh nhân xơ hoá, đông đặc phổi lan tỏa 2 bên.

Bệnh nhân này đã có 4 lần có kết quả xét nghiệm SARS-CoV2 4 lần âm tính liên tục vào các ngày 26/8, 28/8, 30/8, 31/8. Dù vậy, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân tiên lượng còn rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Còn với bệnh nhân 793, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, bác sĩ Phạm Văn Phúc - Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, nơi bệnh nhân 793 đang điều trị - cho biết bệnh nhân đã có diễn biến ổn định hơn.

'Mấy hôm trước bệnh nhân rất nguy kịch, nguy cơ tử vong rất cao, đến nay các chỉ số đã ổn định hơn. Thay vì buộc phải huy động tối đa ECMO, thở máy để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, nay chúng tôi có thể điều chỉnh giảm các thông số trong hệ thống ECMO' - vị bác sĩ cho biết và khẳng định bệnh nhân vẫn đang nguy kịch, khó tiên lượng trước được điều gì.

Quá trình nuôi cấy vi khuẩn tìm nguyên nhân nhiễm trùng cho thấy bệnh nhân này nhiễm loại vi khuẩn đa kháng thuốc. Đa số các ca bệnh nặng ở nước ta, bao gồm cả các ca liên quan Đà Nẵng hiện nay đều gặp tình trạng này.

'Vi khuẩn đa kháng thuốc rất nguy hiểm bởi có thể khiến việc lựa chọn kháng sinh điều trị trở nên hạn hẹp hơn', BS Phúc cho hay.

Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, 12 giờ qua nước ta không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19. Như vậy, đã bước sang ngày thứ 4, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc COVID-19 là 1.044 ca, trong đó có 690 ca lây nhiễm trong nước. Trong đợt dịch này, tính từ ca mắc cộng đồng đầu tiên được ghi nhận tại Đà Nẵng vào ngày 25/7 đến nay, cả nước ghi nhận 550 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố có liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!