Theo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, một trong những tồn tại, hạn chế lớn nhất trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc ở Việt Nam là chưa có văn bản, hướng dẫn trong lĩnh vực này.
Luật về máu và tế bào gốc đang trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, dự thảo luật mới tập trung chủ yếu vào phần máu, nội dung về tế bào gốc còn chưa đầy đủ và chưa tương xứng với tốc độ, tiềm năng phát triển của lĩnh vực này.
Các văn bản dưới luật, cả về nghiên cứu và ứng dụng điều trị do vậy chưa được xây dựng. Bên cạnh đó cũng thiếu các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, quy chuẩn thực hành để đơn vị có thể thực hiện.
Hạn chế lớn nhất trong ứng dụng tế bào gốc ở Việt Nam là chưa có văn bản, hướng dẫn trong lĩnh vực này (Ảnh minh họa: Internet)
Việc tạo hành lang pháp lý cũng liên quan đến vấn đề đạo đức trong nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc. Theo đánh giá của tiến sỹ Nguyễn Công Khẩn và tiến sỹ Nguyễn Ngô Quang, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo-Bộ Y tế nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc vào điều trị mang đến những hi vọng lớn trong việc nâng cao sức khỏe con người bằng cách phục hồi chức năng tế bào và cơ quan đã bị phá hủy bởi thoái hóa và những tổn thương khác.
Song bên cạnh đó cũng phát sinh nhiều vấn đề gây tranh cãi về xã hội, pháp luật, khoa học và đạo đức như việc sử dụng phôi người, nguy cơ/tiềm năng thương mại hóa tế bào và mô người, việc tạo khối u…
Do vậy, cần có những quy định và hướng dẫn chính thức về khoa học cũng như đạo đức đối với lĩnh vực nghiên cứu này.
Theo các nghiên cứu, nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã đưa ra các hướng dẫn riêng của quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc, song còn tương đối dè dặt. Nhìn chung, các nước trên thế giới mới cho phép sử dụng rộng rãi tế bào gốc trong nghiên cứu cơ bản, còn việc ứng dụng vào điều trị chủ yếu trong các bệnh lý về máu (tế bào gốc tạo máu).
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!