Hậu quả của đái tháo đường thai kỳ

Mang thai - 11/24/2024

Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là tình trạng liên quan đến tăng glucose máu của mẹ và làm tăng nguy cơ các kết cục sản khoa bất lợi, ảnh hưởng cho cả mẹ và con...

Đối với thai phụ

Thai phụ mắc ĐTĐTK có nguy cơ xảy ra các tai biến trong suốt quá trình mang thai cao hơn các thai phụ bình thường. Các tai biến thường gặp là:

Tăng huyết áp: Thai phụ ĐTĐTK dễ bị tăng huyết áp hơn các thai phụ bình thường. Tỷ lệ thai phụ bị tăng huyết áp do ĐTĐTK trong thời gian mang thai có thể lên tới 10%. Tăng huyết áp trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng cho mẹ và thai nhi như: tiền sản giật, sản giật, tai biến mạch máu não, suy gan, suy thận, thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non và tăng tỷ lệ chết chu sinh. Vì vậy, đo huyết áp, theo dõi cân nặng, tìm protein niệu thường xuyên cho các thai phụ ĐTĐTK là việc làm rất cần thiết trong mỗi lần khám thai định kỳ.

Sinh non: Thai phụ bị ĐTĐTK làm tăng nguy cơ sinh non so với các thai phụ không bị ĐTĐTK. Tỷ lệ sinh non ở phụ nữ ĐTĐTK là 26%, trong khi ở nhóm thai phụ bình thường là 9,7%. Các nguyên nhân dẫn đến sinh non là do kiểm soát glucose huyết muộn, nhiễm trùng tiết niệu, đa ối, tiền sản giật, tăng huyết áp...

Đa ối: Tình trạng đa ối hay gặp ở thai phụ có ĐTĐTK, tỷ lệ cao gấp 4 lần so với các thai phụ bình thường. Cơ chế đa ối do đái tháo đường còn chưa được biết rõ. Dịch ối nhiều thường bắt đầu thấy từ tuần thứ 26 - 32 của thai kỳ. Dịch ối nhiều cũng làm tăng nguy cơ sinh non ở thai phụ.

Hậu quả của đái tháo đường thai kỳ

ĐTĐTK ảnh hưởng tới cả mẹ và con.

Sẩy thai và thai lưu: Thai phụ mắc ĐTĐTK tăng nguy cơ sẩy thai tự nhiên, các thai phụ hay bị sẩy thai liên tiếp cần phải được kiểm tra glucose huyết một cách thường quy. Nhiều nghiên cứu cho thấy tần suất thai chết lưu ở thai phụ bị ĐTĐTK cao hơn so với nhóm chứng. Phần lớn các trường hợp thai chết lưu ở thai phụ mắc ĐTĐTK xảy ra đột ngột, do nồng độ glucose huyết tương của người mẹ được kiểm soát kém, hoặc khi thai nhi phát triển to hơn nhiều so với tuổi thai, hay khi bị đa ối, và thường xảy ra vào những tuần cuối của thai kỳ.

Nhiễm khuẩn niệu: Thai phụ mắc ĐTĐTK nếu kiểm soát glucose huyết tương không tốt càng tăng nguy cơ nhiễm khuẩn niệu. Nhiễm khuẩn niệu có thể không có triệu chứng lâm sàng, nhưng làm cho glucose huyết tương của thai phụ mất cân bằng và cần phải được điều trị. Nếu không được điều trị sẽ dễ dàng dẫn tới viêm đài bể thận cấp, từ đó gây ra rất nhiều các tai biến khác như nhiễm ceton, sinh non, nhiễm trùng ối.

Về lâu dài, những phụ nữ có tiền sử ĐTĐTK có nguy cơ cao diễn tiến thành ĐTĐ týp 2 trong tương lai, tăng nguy cơ bị ĐTĐTK trong những lần mang thai tiếp theo. Ở những người này dễ bị béo phì, tăng cân quá mức sau sinh nếu không có chế độ ăn và luyện tập thích hợp.

Đối với thai nhi và trẻ sơ sinh

ĐTĐTK ảnh hưởng lên sự phát triển của thai nhi chủ yếu vào giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Giai đoạn 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển, sẩy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh, những thay đổi này thường xảy ra vào tuần thứ 6 đến tuần thứ 7 của thai kỳ. Giai đoạn 3 tháng giữa, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ có hiện tượng tăng tiết insulin của thai nhi, làm thai nhi tăng trưởng quá mức. Hiện tượng thai tăng trưởng quá mức là hậu quả của tăng vận chuyển glucose từ mẹ vào thai. Lượng glucose này đã kích thích tụy của thai nhi bài tiết insulin, làm tăng nhu cầu năng lượng của thai nhi, kích thích thai phát triển.

Hạ glucose huyết tương và các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh: Chiếm tỷ lệ khoảng từ 15 - 25% ở trẻ sơ sinh của các thai kỳ có ĐTĐ. Nguyên nhân thường do gan thai nhi đáp ứng kém với glucagon, gây giảm tân tạo glucose từ gan.

Bệnh lý đường hô hấp: Hội chứng nguy kịch hô hấp. Trước đây, hội chứng nguy kịch hô hấp ở trẻ sơ sinh là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chiếm tỷ lệ 30% ở trẻ sơ sinh của các thai kỳ có ĐTĐ. Hiện nay, tỷ lệ này còn khoảng 10% nhờ có các phương tiện đánh giá độ trưởng thành phổi của thai nhi.

Ngoài ra, ĐTĐTK còn gây dị tật bẩm sinh, tử vong ngay sau sinh, gây tăng hồng cầu, vàng da sơ sinh... Về lâu dài, gia tăng tần suất trẻ béo phì. Khi lớn trẻ sớm bị mắc bệnh ĐTĐ typ 2, rối loạn tâm thần - vận động.Trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị ĐTĐTK có nguy cơ ĐTĐ và tiền ĐTĐ tăng gấp 8 lần khi đến 19-27 tuổi.

(Theo tài liệu của Bộ Y tế)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!