Chẳng ai muốn sức khỏe của mình bị tổn hại. Thế nhưng thực tế, những thói quen sinh hoạt hằng ngày và sự chủ quan đã và đang làm hại cơ thể.
Loại đi những yếu tố khó hoặc không thể can thiệp như tuổi già, di truyền, chấn thương, biến chứng tiểu đường…, phần lớn những nguyên nhân làm thận suy yếu đều do chính 'khổ chủ' gây nên do chưa có sự quan tâm đúng mức đến 'nhà máy lọc máu' của cơ thể.
Thêm yêu hai trái thận vàng
Ngoài chức năng lọc máu, bài tiết nước tiểu, thận còn giữ nhiều vai trò quan trọng khác mà có thể bạn chưa nắm hết. Cụ thể, thận điều chỉnh lượng nước giúp cơ thể duy trì tình trạng cân bằng. Khi cơ thể thiếu nước, thận sẽ tăng tái hấp thu nước bằng cách tiểu ít lại. Ngược lại, thận tăng đào thải khi lượng nước nhập vào cơ thể nhiều. Ngoài ra, thận còn sản xuất ra hormone erythropoetin tham gia vào quá trình tạo máu. Vì thế, khi thận suy, cơ thể sẽ có những biểu hiện thiếu máu như da xanh xao, nhợt nhạt, chán ăn, buồn nôn…
Huyết áp trong cơ thể có thể giữ mức ổn định là nhờ có sự phối hợp nhiều cơ quan trong đó có thận. Đó là lý do khi cơ thể bị ứ trệ muối và nước do thận không làm tròn chức năng cũng gây tăng huyết áp. Và sẽ ít người biết rằng, thận còn tham gia vào quá trình chuyển hóa xương khi điều hòa canxi, phosphat.
Suy thận thường gặp ở nam giới uống nhiều rượu bia (ảnh minh họa: Internet)
Những yếu tố gây hại thận
Theo TS. BS. chuyên khoa II Nguyễn Bách (Trưởng khoa Nội thận và lọc máu - Bệnh viện Thống Nhất TP. HCM), lối sống ngày nay có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chức năng thận. Trong đó đầu tiên là thói quen ăn nhiều muối, đường, chất đạm và chất mỡ trong khi những thứ cần thiết cho cơ thể như rau quả, chất xơ lại không được nạp đầy đủ. Ngoài ra, những người có thói quen hút thuốc lá sẽ có nguy cơ cao hơn do các nhà khoa học chứng minh rằng thuốc lá là một yếu tố gây ra tình trạng tiểu đạm - dấu hiệu cho thấy có bệnh lý ở thận. Bên cạnh đó, ít vận động, cùng với việc thường xuyên căng thẳng trong công việc, gia đình, tài chính… khiến thận ngày càng bị tổn hại.
Một trong những nguyên nhân khá phổ biến cũng góp phần khiến 'nhà máy lọc máu' bị suy giảm hoạt động là uống thuốc một các tùy tiện. Trong đó, có một số loại thuốc có thể gây tổn thương thận đặc biệt là khi dùng dài ngày với liều không hợp lý như các loại thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (paracetamol, aspirin…); thuốc kháng sinh thuộc nhóm aminoglycoside (streptomycin, tobramycin…); một số thuốc đông y không rõ nguồn gốc.
Một số bệnh thận nếu không điều trị tốt có thể ảnh hưởng chức năng thận và dần dần gây biến chứng suy thận mạn phải kể đến là sỏi thận, trướng nước thận, viêm thận bể thận. Thực tế, nhiều bệnh nhân khi thấy giảm phù đã ngưng sử dụng thuốc làm bệnh tiếp tục diễn tiến âm thầm. Trong khi đó, một số bệnh lý nhiễm trùng như viêm cầu thận sau nhiễm khuẩn liên cầu, nhiễm khuẩn nặng do các vi khuẩn có độc lực cao lại có thể gây sốc nhiễm khuẩn và suy thận cấp.
Ở các vùng nông thôn, bị ong đốt, rắn cắn, ngộ độc mật cá trắm cỏ vẫn còn là nguyên nhân gây suy thận cấp.
Suy thận do tiểu đường (Việt hóa bởi Songkhoe.vn)
Đừng chần chừ giải độc cho thận
Giữ cho hai trái thận hoạt động bền bỉ không quá khó. Ngay từ bây giờ, bạn hãy thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh:
- Khi đi chợ hoặc siêu thị, trước khi xem giá cả sản phẩm, bạn hãy tập thói quen xem kỹ bảng thành phần dinh dưỡng để lựa chọn những loại có hàm lượng muối, đường, béo ít hơn.
- Tùy theo mức độ hoạt động và thời tiết, lượng nước cần uống trong ngày khoảng từ 2 đến 3 lít. Cần lưu ý, không nên uống quá nhiều nước trong một lần để không gây áp lực cho thận.
- Việc sử dụng thuốc cần được hướng dẫn, kê toa của bác sĩ thay vì tự ý lạm dụng thuốc một cách bừa bãi.
- Nếu đang mắc bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu hay cao huyết áp, bạn cần điều trị bệnh ổn định và thường xuyên kiểm tra định kỳ chất đạm trong nước tiểu
>>> Xem thêm: Thịt đỏ: Thực phẩm tăng nguy cơ suy thận
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!