Hé lộ nguyên nhân gây mệt mỏi mãn tính dẫn đến suy nhược cơ thể mà không ai ngờ

Sống khỏe mạnh - 05/03/2024

Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS) có thể bắt nguồn từ tình trạng suy giảm hormone tuyến giáp.

Theo kết quả của một cuộc nghiên cứu mới, hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS) - một căn bệnh hiện vẫn chưa có thuốc chữa - có thể bắt nguồn từ tình trạng suy giảm hormone tuyến giáp.

Trong những năm gần đây, hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS) ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng y khoa. Những người hoài nghi thì coi tình trạng mệt mỏi và uể oải về tinh thần chỉ đơn thuần mang tính tâm lý. Nhưng không ít người khác lại phẫn nộ cho rằng họ dám khẳng định, căn bệnh cần được xem xét về mặt sinh lý.

Và nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Hà Lan đã ủng hộ quan điểm, CFS là vấn đề thể chất chứ không phải do người bệnh tự nghĩ ra trong đầu. Nghiên cứu của sự tham gia của 197 người trưởng thành, được đăng tải trên tạp chí Frontiers in Endocrinology.

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Y tế Đại học Groningen đã so sánh chức năng tuyến giáp của 8 bệnh nhân CFS với 97 người trưởng thành khỏe mạnh.

Kết quả, bệnh nhân CFS có hàm lượng huyết thanh của 2 hormone chủ chốt, triiodothyronine và thyroxine, thấp hơn so với nhóm khỏe mạnh. 2 hormone này có hàm lượng thấp gây ra sự yếu ớt, mệt mỏi - giống các triệu chứng của CFS.

Tuy nhiên, 8 bệnh nhân CFS không cho thấy dấu hiệu của suy giáp - tuyến giáp hoạt động kém, không sản sinh đủ hormone kích thích tuyến giáp.

Hé lộ nguyên nhân gây mệt mỏi mãn tính dẫn đến suy nhược cơ thể mà không ai ngờ

Ảnh minh họa

CFS chưa có thuốc chữa. Các biện pháp điều trị hiện thời bao gồm liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), liệu pháp tập luyện theo từng cấp độ và các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm. Các nhà khoa học hi vọng, với nghiên cứu mới này, sẽ cho phép các bác sĩ thay đổi biện pháp điều trị cho bệnh nhân CFS, không chỉ dừng lại ở các phương thức liên quan tới tâm lý.

Thống kê cho thấy, ở Anh, khoảng 250.000 người bị CFS. Còn ở Mỹ, con số này lên tới 2 triệu người. Hội chứng mệt mỏi mãn tính đi kèm với các triệu chứng giống bệnh cúm. Sự mệt mỏi cao độ và uể oải về tâm thần có thể khiến một số bệnh nhân phải nằm liệt giường trong nhiều năm.

Vào những năm 1980, hội chứng mệt mỏi mãn tính bỗng trở thành tâm điểm chú ý. Nó còn được gọi bằng các tên "bệnh cúm của trí thức trẻ" bởi bệnh chủ yếu ảnh hưởng tới những người trẻ nhiều hoài bão.

Việc thiếu những bằng chứng về nguyên nhân sinh lý rõ ràng của bệnh khiến các bác sĩ tin rằng, đây là một chứng bệnh tâm lý. Nhưng nhiều năm qua, các chiến dịch đã được triển khai không ngừng nghỉ để vận động cho quan điểm hội chứng mệt mỏi mãn tính có liên quan tới một căn bệnh truyền nhiễm hoặc vấn đề ở hệ miễn dịch.

Năm 2011, một nghiên cứu bước ngoặt đăng tải trên tạp chí y khoa danh giá the Lancet, đã đưa ra biện pháp điều trị cơ bản. Nghiên cứu gây rất nhiều tranh luận trái chiều.

Trước nghiên cứu của nhóm khoa học gia Hà Lan, một nghiên cứu do Đại học Bristol tiến hành và được công bố hồi tháng 9 năm ngoái, đã tiết lộ, một biện pháp điều trị gây nhiều tranh cãi cho trẻ em bị hội chứng CFS thực sự có tác dụng trong một số trường hợp.

Đó là một khóa học có tên Lightning Process. Tại đây, bệnh nhân được tái rèn luyện não nhằm cải thiện sức khỏe thể chất. Khóa học này đã thể hiện hiệu quả khi kết hợp với sự chăm sóc y tế đặc biệt từ chuyên gia. Chi phí của một khóa là 620 bảng Anh.

Tuy nhiên, một số chuyên gia và người ủng hộ chiến dịch khai trí về hội chứng mệt mỏi mãn tính cáo buộc khóa học trên là phản khoa học và chẳng khác nào "đám lang băm".

Tiến sĩ Charles Shepherd, cố vấn y khoa danh dự tại Hiệp hội Hội chứng mệt mỏi mãn tính, bày tỏ: "Nghiên cứu mới về hormone tuyến giáp ở bệnh nhân CFS tượng trưng cho tiến bộ quan trọng trong hiểu biết của chúng tôi về mối liên quan giữa bất thường hormone với căn bệnh này. Chúng tôi vốn biết rằng, có những bất thường về hormone cortisol ở bệnh nhân CFS. Tuy nhiên, xét nghiệm máu định kỳ để kiểm tra chức năng tuyến giáp ở bệnh nhân lại luôn cho thấy, hormone tuyến giáp không hề bị ảnh hưởng.

Kết quả là biện pháp điều trị hormone tuyến giáp lại không được đề xuất cho bệnh nhân CFS bởi nó có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng ở những người có chức năng tuyến giáp bình thường.

Nếu nghiên cứu mới này - vốn cho thấy khiếm khuyết trong hoạt động của hormone tuyến giáp hơn là một căn bệnh thực sự về tuyến giáp - được các nhóm nghiên cứu độc lập tiếp nối, nó gợi ý khả năng sử dụng một cách thận trọng liệu pháp hormone tuyến giáp và việc này cần được đánh giá thông qua các thử nghiệm lâm sàng. Nó rất có thể trở thành một biện pháp điều trị hiệu quả, với ít nhất nhóm bệnh nhân CFS không phải điển hình".

Nguồn: DailyMail

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!