Hiểm họa khi bóng bay phát nổ

Sống khỏe mạnh - 10/10/2024

Những trái bóng đủ màu sắc có thể phát nổ gây bỏng cho người xung quanh. Ngoài ra chúng còn gây nhiều tác hại khi thổi bằng miệng.

Ngày 11/5, ba sinh viên lớp Công tác xã hội K35, Đại học Khoa học (Đại học Huế) phải nhập viện điều trị bỏng. Sinh viên trong lớp cho biết, để chia chùm bóng lớn, một nam sinh đã dùng bật lửa đốt dây. Tuy nhiên, ngọn lửa đã bùng lên làm nổ cả chùm bóng khiến ba người ở gần bị thương.

Trước đó, 13 giáo viên và học sinh trường THCS Suối Dây (Tây Ninh) cũng phải nhập viện do bóng bay phát nổ. Được biết, một giáo viên đã dùng bật lửa chia bóng cho các em học sinh xung quanh. Do bất cẩn, ngọn lửa bùng lên khiến 100 trái bóng phát nổ, gây bỏng cho nhiều người.

Tháng 5/2012, 144 người bị bỏng khi những quả bóng bay bất ngờ phát nổ và bốc cháy tại buổi hòa nhạc tại Armenia. Tuy không bị thương nguy hiểm đến tính mạng nhưng vụ việc này cũng gây hoang mang cho những người tham gia.

Hiểm họa khi bóng bay phát nổ

Học sinh trong vụ bóng phát nổ ở Tây Ninh đang được điều trị (Ảnh: Đất Việt)

Những năm vừa qua, nhiều vụ tai nạn do bóng bay nổ cũng xảy ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Bóng bay là món đồ chơi được nhiều em nhỏ yêu thích. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chơi bóng bay an toàn, tránh nguy hiểm.

Bóng bay có thể phát nổ

Để giúp bóng có thể bay lên cao, người ta phải bơm vào đó khí hydro. Loại khí này khi tiếp xúc với nhiệt độ cao rất dễ phản ứng với khí oxi trong không khí và phát nổ. Sau phản ứng áp suất không khí tăng gấp 3,5 lần, mức công phá khá lớn. Một quả bóng phát nổ có thể gây hậu quả nhỏ nhưng cả chùm phát nổ dễ khiến những người xung quanh bị bỏng nặng, khó hồi phục, nhất là những bộ phận không được che chắn.

Ngoài hydro, nhiều người cũng sử dụng khí acetylene. Đầu năm nay, một cơ sở bơm bóng bay tại Hải Phòng đã bị cháy do bình khí bơm phát nổ làm 3 người bị thương. Cơ quan chức năng phát hiện cơ sở bơm vào bóng acetylene, loại khí dễ cháy khi tiếp xúc với nguồn nhiệt.

Như vậy, dù sử dụng khí acetylene hay khí hydro, bóng bay vẫn có thể phát nổ và gây hại cho người xung quanh.

Hiểm họa khi bóng bay phát nổ

144 người bị thương khi bóng bay phát nổ trong buổi hòa nhạc (Ảnh: Zing)

Ngậm bóng - ngậm luôn hoá chất

Thổi bóng bằng mồm là sở thích của nhiều trẻ nhỏ. Không chỉ thổi, nhiều em còn nhặt những mảnh vỡ của bóng để nút miệng, tạo thành những quả bóng nhỏ. Các em không biết rằng, cùng với việc vui đùa ấy, nhiều chất độc hại đang xâm nhập vào cơ thể.

Bóng bay chủ yếu được sản xuất từ mủ cao su lỏng trộn sẵn amoniac cùng với một số hoá chất như bột màu, lưu huỳnh… Lưu huỳnh sẽ giúp bóng được dẻo và dai hơn, không dính. Màu của bóng bay chủ yếu được lấy từ màu công nghiệp, màu đỏ có chì, màu vàng có chất Crôm…

Các kim loại nặng này dễ dàng xâm nhập vào cơ thể khi trẻ thổi hoặc cầm tay khiến màu thôi ra rồi vào miệng. Trẻ càng thổi bóng thường xuyên, số lượng lớn, chất độc càng ngấm nhiều vào cơ thể và gây bệnh.

Hiểm họa khi bóng bay phát nổ

Bóng bay thường dùng để trang trí hay đồ chơi nhưng cũng có thể trở thành mối đe dọa sức khỏe

Việt Nam chưa có sự kiểm soát chất lượng của bóng và phẩm màu được sử dụng. Bóng chủ yếu được nhập từ Trung Quốc và tự sản xuất. Quy trình sản xuất còn lạc hậu, thủ công nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, khi chơi với bóng, trẻ có thể bị hóc do bóng tắc vào cổ. Khí hydro vốn rất độc, hít nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ nhỏ. Nhiều trẻ thấy bóng rơi xuống đất, mảnh bóng vỡ vẫn tiếp tục chơi mà không để ý những chất bẩn dính đầy trên bóng.

Để bảo vệ trẻ cũng như người lớn khỏi những tác hại của bóng bay, tuyệt đối không sử dụng lửa gần chùm bóng. Bóng bay mua về cần để xa nguồn nhiệt, nguồn điện. Phụ huynh cần tránh cho trẻ thổi bóng bằng miệng, nên có vật trung gian hoặc sử dụng đồ bơm. Tay bẩn không cho lên miệng, rửa tay sạch sẽ sau khi chơi với bóng để loại bỏ hoàn toàn phẩm màu độc hại.

>> Xem thêm: 3 sinh viên nhập viện cấp cứu vì bóng bay phát nổ

Thanh Nguyên

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!