Chắc bạn đã biết, có 2 cách để thử thai: một là thử bằng nước tiểu, hai là thử bằng mẫu máu. Nhưng liệu bạn đã biết chúng hoạt động như thế nào? Cả 2 cách này đều có chung một mục đích là xác định sự hiện diện của hormone hCG (human chorionic gonadotropin). Hormone này được sản xuất từ nhau thai sau khi phôi làm tổ tại tử cung và phát triển rất nhanh về số lượng trong cơ thể của bạn chỉ trong vài ngày đầu tiên có thai. Sự thay đổi nhanh chóng này chính là tác nhân gây ra các triệu chứng thai nghén của bạn đấy.
Trong bài viết này Hello Bacsi sẽ nói rõ hơn về 2 cách thử thai thông dụng này, cùng tìm hiểu nhé.
Xét nghiệm nước tiểu
Đối với cách thử thai bằng nước tiểu, có nhiều cách khác nhau để bạn có thể lựa chọn sử dụng ở bất kỳ nơi đâu, dù là ở bệnh viện hay ở nhà. Cách thông dụng và phổ biến nhất ở Việt Nam là sử dụng que thử thai. Cách này yêu cầu bạn phải tiểu vào trong một chiếc cốc, sau đó nhúng que thử thai vào. Bạn có thể tiểu trực tiếp lên que thử thai nếu hướng dẫn sử dụng ghi như vậy. Sau đó que thử sẽ cho ra kết quả là ‘có thai’ (dấu cộng, 2 vạch,…) hoặc ‘không có thai’ (dấu trừ, 1 vạch,…). Một cách khác hiện đại hơn, cho ra kết quả nhanh và chính xác hơn, nhưng cũng tốn kém hơn là sử dụng que thử thai điện tử. Cách sử dụng cũng tương tự như trên và sẽ cho ra kết quả dưới dạng vạch, dấu cộng (hoặc trừ), một số loại có thể hiển thị trực tiếp dòng chữ “pregnant” (có thai) hoặc “not pregnant” (không có thai).
Khi nào thì nên thử thai bằng nước tiểu?
Hầu hết các bác sĩ đều sẽ khuyên bạn đợi cho đến ngày đầu tiên trễ kinh rồi mới thử thai, có nghĩa là khoảng 2 tuần sau khi thụ tinh. Tuy nhiên, đối với một số loại que nhạy hơn, bạn sẽ không phải đợi lâu như vậy.
Vậy cách thử thai này có chính xác không?
Xét nghiệm thử thai bằng nước tiểu có độ chính xác lên đến 97% với điều kiện bạn làm đúng theo hướng dẫn sử dụng. Cách này rất tiện lợi, dễ sử dụng và đảm bảo riêng tư vì bạn có thể sử dụng ngay tại nhà và giá cả thì phù hợp với mọi đối tượng: từ 10 – 30,000/que đối với que thử thông thường, từ 55 – 250,000/que.
Tuy nhiên, kết quả sẽ không chính xác nếu bạn không làm đúng theo hướng dẫn sử dụng hoặc nếu bạn thử quá sớm. Nếu que thử cho ra kết quả âm tính mà bạn vẫn có những triệu chứng thai nghén (trễ kinh, buồn nôn, tức ngực và mệt mỏi), thì bạn nên đợi một tuần và thử lại lần nữa hoặc đến bác sĩ để thử thai bằng mẫu máu.
Xét nghiệm máu
Có 2 cách để bạn thử thai bằng máu: xét nghiệm định lượng đo chính xác số lượng hCG trong máu, và xét nghiệm định tính hCG cho ra kết quả đơn giản là có thai/không có thai.
Ưu điểm của xét nghiệm này là?
- Có thể phát hiện thai kì sớm hơn khoảng 7-12 ngày so với xét nghiệm nước tiểu (nhưng nếu cho ra kết quả âm tính mà bạn vẫn trễ kinh, cần xét nghiệm lại).
- Cách này có thể đo nồng độ của hCG trong máu (là thông tin hữu ích để xác định thai kì có bất kì vấn đề gì không).
Nhược điểm của cách thử thai này là?
- Mắc tiền hơn so với thử thai bằng nước tiểu (giá cả phụ thuộc vào bác sĩ và chi phí của phòng xét nghiệm);
- Thời gian nhận kết quả lâu hơn;
- Bắt buộc phải làm tại phòng xét nghiệm.
Những câu hỏi thường gặp
Nếu kết quả thử thai bằng nước tiểu là dương tính, có phải tôi đang mang thai?
Khi phôi làm tổ tại nội mạc tử cung, hCG sẽ được tiết ra và gia tăng theo cấp số nhân. Kết quả dương tính thể hiện sự hiện diện của hCG, cũng chính là dấu hiệu bạn đang mang thai đấy.
Nếu kết quả cho ra âm tính thì sao?
Kết quả âm tính không có nghĩa là bạn không có thai, có thể do bạn thử thai quá sớm, hoặc có thể bạn làm sai hướng dẫn.
Cách tốt nhất là làm theo hướng dẫn và đợi đến ngày trễ kinh đầu tiên bạn nhé.
Thời gian sớm nhất để thử thai bằng nước tiểu là khi nào?
Trễ kinh thường là dấu hiệu mang thai, bạn nên đợi cho đến ngày đầu tiên trễ kinh. Nếu bạn không thể đợi đến lúc đó được thì bạn có thể thử thai sau 14 ngày tính từ ngày cuối cùng giao hợp.
Tôi thử thai tại nhà nhiều lần nhưng mỗi lần lại cho ra kết quả khác nhau, tôi phải làm sao?
Bạn nên đến bác sĩ xét nghiệm hCG máu để có kết quả chính xác nhất bạn nhé.
Bạn có thể quan tâm một số bài viết sau đây:
- Xét nghiệm hCG có cần thiết trong thai kì không?
- Xét nghiệm nước tiểu
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!