Bỏng nắng là tình trạng mẫn cảm, tổn thương khi tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài. Ở mức độ nặng, bỏng nắng gây ra thương tổn nghiêm trọng cho da, khiến bệnh nhân phải nhập viện điều trị, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Một số vụ bỏng nắng nguy hiểm
Vừa qua, hình ảnh mặt và tay của một phụ nữ họ Sở bị cháy đen vì nắng được đăng tải rầm rộ trên nhiều trang mạng Trung Quốc, gây xôn xao dư luận. Được biết, bệnh nhân này được điều trị tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện thành phố Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Khi nhập viện, khuôn mặt và bàn tay bà phồng rộm, đen như than. Do phần da bị hoại tử, các bác sỹ đã phải tiến hành cấy ghép da mặt và da bàn tay cho bà Sử. Hiện, sức khoẻ của bà đã dần ổn định.
Khuôn mặt bà lão bị cháy đen thui. (Nguồn: Chinadaily.com.cn)
Tháng 7/2015, báo Mirror, Mỹ đăng tin 2 anh em trai một 7 tuổi, một 5 tuổi bị bỏng nắng nghiêm trọng vì bị bỏ quên nhiều giờ ngoài trời nắng khi đến trung tâm chăm sóc trẻ ở Oklahoma, Mỹ. Người anh 7 tuổi bị bỏng nặng hơn, phần lưng bị cháy nắng đỏ ửng với nhiều vết phồng rộp và mụn nước lớn, đôi khi nước rỉ ra gây đau đớn, tột cùng. Tuy được điều trị tại bệnh viên nhi Shriners ở Galveston, Texas nhưng vết bỏng rộp khiến chúng không thể nằm ngủ, phải nhờ sự trợ giúp của thuốc giảm đau mới có thể chợp mắt.
Hình ảnh bỏng nắng nghiêm trọng của cậu bé 7 tuổi bị bỏng nắng nghiêm trọng ở Mỹ
Cũng trong tháng 7, trang xã hội Reddit đã đăng bức hình làn da hồng đỏ như tôm luộc, nứt nẻ đau nhức vì bị cháy nắng đỏ. Được biết, người đàn ông này đã không dùng kem chống nắng khi ra biển tắm nắng trong ngày hè nóng nực. Hiện giờ anh phải bỏ ra số tiền không nhỏ để phục hồi làn da tổn thương nghiêm trọng của mình. Qua bức hình, anh mong muốn mọi người sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc da.
Làn da đỏ như tôm luộc sau khi đi biển mà không bôi kem chống nắng
Nguyên nhân gây bỏng nắng
Bỏng nắng có rất nhiều nguyên nhân. Với trường hợp của bà Sử, các bác sỹ nhận định bà bị viêm da thực vật do phơi nắng một thời gian dài sau khi ăn loại rau có tính cảm quang. Bà Sử cũng cho biết mình thường xuyên ăn rau dền, một loại rau có tính cảm quang mạnh. Nếu bạn hay ăn các loại rau củ này, da sẽ giảm khả năng chống tia tử ngoại, đẩy nhanh quá trình da bị tổn thương khi đi dưới nắng. Ngoài rau dền, các loại rau cảm quang còn có chanh, rau chân vịt, mùi tây, cần tây, tỏi tây,…
Người phụ nữ này đã ăn khá nhiều rau dền rồi đi dưới nắng dẫn đến cháy nắng khủng khiếp
Khi phải làm việc nhiều giờ dưới ánh nắng mặt trời, nhất là thời điểm từ 10h30 đến 15h, bạn cũng dễ bị bỏng nắng. Nếu không có vật bảo hộ, mức độ bỏng càng nghiêm trọng. Với làn da mỏng manh của trẻ nhỏ như trường hợp ở Texas, Mỹ, khả năng bị bỏng càng cao, nhất là khi các em bị bỏ mặc ngoài trời, không có bất kì vật che hay kem chống nắng. Nhiều người đi tắm biển vào thời điểm này cũng khiến da bị sạm, cháy.
Với một số người, cơ thể họ không sản sinh đủ lượng melanin cần thiết để bảo vệ da khỏi ảnh hưởng của tia cực tím nên khả năng bị bỏng da thường lớn hơn. Những người da sậm màu thường phải mất vài giờ để bị bỏng nắng nhưng thời gian chỉ còn 15 phút với làn da sáng màu. Tuỳ vào việc bị bỏng tức thời hoặc sau một thời gian mà có hai dạng là bỏng tạm thời và bỏng tích luỹ.
Cách phòng tránh
Để hạn chế những vụ cháy nắng nghiêm trọng, mọi người có thể điều chỉnh dinh dưỡng phù hợp, nên hạn chế những loại thực phẩm có tính cảm quang, bổ sung rau củ tốt cho da như dâu tây, trà xanh, đu đủ,…
Khi ra ngoài, nhất là lúc trời nắng gắt thì cần phải bảo vệ da bằng cách bôi kem chống nắng, đội nón mũ và mặc quần áo dài
Khi phải làm việc ngoài trời nắng trong thời gian dài nên mặc đồ bảo hộ kín, sử dụng kem chống nắng. Lưu ý rửa sạch khi vào trong nhà, nhất là nam giới. Người thiếu melanin cần hạn chế ra ngoài những khi nắng gắt, luôn mặc áo chống nắng để hạn chế tổn thương da.
Tuyệt đối không để trẻ nhỏ chơi ngoài trời trong thời gian dài, nhất là từ 10h30 đến 15h, trẻ bị cháy nắng có nguy cơ mắc ung thư da theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention vào tháng 6/2014. Nếu muốn tắm nắng cho trẻ chỉ nên từ 5-8h, tuỳ vào mức độ nắng. Thường xuyên chăm sóc da mặt bằng việc uống đủ nước, tốt nhất là đắp mặt nạ bằng nguyên liệu tự nhiên định kỳ.
Trong trường hợp phát hiện những tổn thương do bỏng nắng cần nhanh chóng đến bệnh viện điều trị, tuyệt đối tránh bôi đắp thuốc lạ, khiến tổn thương càng nặng nề.
>> Xem thêm: 'Cháy như than' vì ăn rau dền và đi dưới trời nắng
Ảnh minh họa: Internet
Thanh Nguyên
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!