Ho đờm lẫn máu, bệnh gì?

Cần biết - 03/28/2024

Bệnh giãn phế quản cũng có thể ho có máu nên dễ nhầm với ho ra máu trong bệnh lao phổi; ung thư thực quản, ung thư vòm họng cũng gặp ho ra máu...

Tôi 68 tuổi, bị ho lâu ngày có đờm màu vàng. Đã đi khám chẩn đoán viêm họng và uống thuốc theo đơn nhưng không đỡ. Gần đây tôi ho có lẫn máu trong đờm. Có phải tôi bị ho lao hay ung thư vòm họng? Tôi rất lo lắng!

Phạm Văn Vinh(vinhpham@gmail.com)

Có nhiều nguyên nhân gây ho khạc đờm có máu, dựa vào tính chất máu có thể phân biệt ho ra máu trong một số bệnh, chẳng hạn: nếu viêm họng amiddan mà ho khạc mạnh có thể cũng có lẫn những dây máu vì các mạch máu nhỏ vùng họng bị vỡ khi áp lực ho mạnh.

Hoặc bệnh giãn phế quản cũng có thể ho có máu nên dễ nhầm với ho ra máu trong bệnh lao phổi; ung thư thực quản, ung thư vòm họng cũng gặp ho ra máu...

Muốn xác định chính xác bệnh cần thăm khám lâm sàng kết hợp những xét nghiệm cần thiết. Vì không trực tiếp thăm khám nên tôi không thể đưa kết luận cụ thể.

Sau đây xin nêu những triệu chứng điển hình của bệnh lao phổi để bác hiểu thêm: Người bệnh lao phổi thường có biểu hiện sốt nhẹ về chiều, ăn kém, gầy sút cân; Ho ra máu là triệu chứng có thể gặp ở 60% những người lao phổi.

Đặc điểm ho máu tươi, sủi bọt hồng, cũng có thể ho ra máu ít nhưng có khi ho nhiều (ộc ra máu làm người bệnh hoảng hốt - từ y học gọi ho ra máu sét đánh).

Các triệu chứng khác là: đau ngực, khó thở, có tiếng rên khu trú ở một vùng của phổi; tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào. Để chẩn đoán xác định cần xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao, chụp Xquang phổi...

Nếu lao phổi phải điều trị theo đúng phác đồ (bao gồm ít nhất là 2 tháng tấn công và 6 tháng duy trì). Lời khuyên: bác nên khám chuyên khoa hô hấp để xét nghiệm đờm hoặc nội soi vòm họng tìm nguyên nhân và điều trị đúng bệnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!