Mỗi năm Việt Nam có khoảng 500-700 trường hợp có nhu cầu nhờ mang thai hộ. Chi phí một lần thực hiện mang thai hộ khoảng 2.000-3.000 USD, tương đương 60-70 triệu đồng trong trường hợp ca khó; ca bình thường thì chi phí 40-45 triệu đồng. Chi phí này chủ yếu do lượng thuốc hỗ trợ phải sử dụng nhiều hay ít.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng kỹ thuật mang thai hộ của Việt Nam ngang tầm thế giới, khó hơn so với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thông thường. Những phụ nữ không có tử cung hoặc có bệnh lý không thể mang thai (bệnh tim, thận, cao huyết áp, không có chỉ định mang thai), có thể nhờ mang thai hộ.
Hiện 3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật này là Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Từ Dũ TP HCM.
Hồ sơ và quy trình thực hiện
Các cặp vợ chồng vô sinh gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến 3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật này. Có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.
Hồ sơ gồm 12 giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo mẫu.
- Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo mẫu.
- Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào.
- Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do UBND cấp xã nơi thường trú xác nhận.
Bé Đinh Quỳnh Anh - bé gái đầu tiên chào đời bằng phương pháp mang thai hộ ở Việt Nam (Ảnh: Lê Nga)
- Bản xác nhận của cơ sở y tế được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi. Người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
- Bản xác nhận của cơ sở y tế được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định.
- Bản xác nhận của UBND cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này.
- Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.
- Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sĩ sản khoa.
- Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên.
- Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý.
- Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định theo mẫu, phải có công chứng.
Bộ Y tế quy định, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải có kế hoạch điều trị để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trường hợp không thể thực hiện được kỹ thuật này thì phải trả lời bằng văn bản, đồng thời nêu rõ lý do.
Quy trình thực hiện kỹ thuật mang thai hộ được thực hiện sau khi hồ sơ được thông qua. Theo đó, bước đầu tiên, cặp vợ chồng muốn nhờ mang thai hộ phải khám và làm các xét nghiệm để xác định không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau, không mắc bệnh tâm thần, không nhiễm HIV…
Người phụ nữ chấp nhận mang thai hộ cũng phải khám sức khỏe, sức khỏe sinh sản xem đủ điều kiện mang thai và mang thai hộ không. Nếu tất cả đều đủ điều kiện, đến bước thụ tinh nhân tạo. Các bác sĩ sẽ kích trứng, chọc hút trứng và lấy tinh trùng của cặp vợ chồng muốn nhờ mang thai hộ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Trứng với tinh trùng được thụ tinh trong phòng nuôi cấy. Các chuyên viên phôi học theo dõi sự phát triển của phôi trong 2 hoặc 3 ngày, tùy trường hợp. Sau đó sẽ thực hiện chọn phôi và chuyển phôi vào tử cung của người mang thai hộ vào 2-3 ngày sau chọc hút trứng, tùy trường hợp.
Tiếp đó các bác sĩ sẽ tiêm thuốc và đặt thuốc vào âm đạo để hỗ trợ cho sự làm tổ của thai. 14 ngày sau đó sẽ thử thai và theo dõi thai định kỳ như thai kỳ của người mang thai bình thường.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!