Bạn có thể phòng ngừa và có khả năng điều trị ung thư phổi hiệu quả hơn nếu thực hiện tầm soát ung thư phổi định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ, nhất là khi bạn có các nguy cơ cao mắc bệnh.
Tầm soát ung thư phổi có nghĩa là thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán khi chưa có triệu chứng hay tiền sử về bệnh. Quá trình này giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu khi mô bắt đầu phát triển bất thường. Vào thời điểm xuất hiện các triệu chứng, tế bào ung thư có thể đã lan rộng. Vì vậy, các bác sĩ đều khuyến khích mọi người nên làm xét nghiệm tầm soát ung thư phổi để có cơ hội phát hiện bệnh sớm và điều trị dễ có hiệu quả hơn.
Một nghiên cứu đã tiến hành đánh giá 3 thử nghiệm sàng lọc để xem liệu chúng có làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư phổi hay không. Kết quả là:
- Chụp CT liều thấp được chứng minh làm giảm nguy cơ tử vong, do phát hiện sớm ung thư phổi ở những người nghiện thuốc lá nặng.
- Chụp X–quang ngực hay xét nghiệm đờm không làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư phổi.
Xét nghiệm tầm soát ung thư phổi có hiệu quả nhất là chụp cắt lớp điện toán liều thấp (còn gọi là chụp CT liều thấp). Khi đó, thiết bị y tế sẽ dùng tia X quét qua cơ thể với liều lượng bức xạ thấp, giúp tạo ra hình ảnh tổng quát về phổi.
Một vài thông tin về ung thư phổi
Ung thư phổi là căn bệnh xảy ra khi các tế bào ác tính (ung thư) hình thành bên trong mô phổi và phát triển ngoài tầm kiểm soát. Những tế bào này sẽ hình thành nên các khối u và có thể di căn (lây lan) sang các cơ quan khác trong cơ thể. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ.
Ung thư phổi gồm 2 loại là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Các dấu hiệu và triệu chứng có thể có khi mắc phải ung thư phổi là:
- Ho dai dẳng và ngày càng trở nên tồi tệ hơn
- Đau ngực, nhất là khi hít thở sâu, ho hoặc cười
- Giọng nói trở nên khàn
- Giảm cân, mất cảm giác ngon miệng khi ăn
- Ho ra máu hoặc đờm có màu bất thường
- Khó thở, khò khè
- Nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi
Nhiều người bị ung thư phổi không có bất kỳ triệu chứng nào khi ung thư bắt đầu. Nếu bạn phát hiện ung thư sớm, quá trình điều trị và khả năng hồi phục sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Đây là lý do tại sao tầm soát ung thư phổi rất quan trọng.
Đối tượng nên tầm soát ung thư phổi
Các chuyên gia khuyến cáo tầm soát ung thư phổi hàng năm bằng chụp CT phổi liều thấp cho những người trưởng thành mà:
- Có tiền sử hút thuốc nặng
- Đang hút thuốc hoặc đã cai thuốc lá trong vòng 15 năm
- Có độ tuổi từ 55–80.
Tiền sử hút thuốc nặng tức là bạn đã sử dụng thuốc lá liên tục trong hơn 30 năm và hút trung bình 1 gói/ngày mỗi năm.
Rủi ro trong quá trình tầm soát ung thư phổi
Thực hiện tầm soát ung thư phổi có ít nhất 3 rủi ro:
- Kết quả tầm soát có thể bị dương tính giả, tức là nó cho thấy dấu hiệu ung thư phổi trong khi thực tế bạn không hề bị bệnh. Kết quả dương tính giả có thể dẫn đến các xét nghiệm và phẫu thuật theo dõi không cần thiết, gây ra nhiều rủi ro hơn.
- Ngược lại, kết quả âm tính giả cũng có thể xảy ra khi bạn có tế bào ung thư nhưng kết quả lại không cho thấy điều đó.
- Tầm soát ung thư phổi có khả năng tìm thấy các tình trạng bệnh chưa hề gây tổn hại nào đến cơ thể. Điều đó gọi là chẩn đoán quá mức và dẫn đến những điều trị không cần thiết.
- Bức xạ từ các lần chụp CT phổi liều thấp lặp đi lặp lại có thể gây ung thư ở người khỏe mạnh.
Vì vậy, tầm soát ung thư phổi chỉ khuyến khích thực hiện ở những người trưởng thành chưa có triệu chứng nhưng có nguy cơ cao mắc bệnh vì tiền sử hút thuốc, tuổi tác.
Nếu bạn muốn tiến hành tầm soát ung thư phổi, hãy nhờ bác sĩ tư vấn, đánh giá và giới thiệu các cơ sở chất lượng cao.
Một trong những cách tốt nhất giúp giảm nguy cơ ung thư phổi là tránh hút thuốc, kể cả chủ động hay thụ động. Tuy nhiên, tầm soát ung thư phổi không thể giảm nguy cơ bệnh phổi do thuốc lá gây ra, bạn vẫn cần bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.
Khi nào có thể ngừng tầm soát ung thư phổi?
Các chuyên gia khuyến cáo quá trình tầm soát ung thư phổi hàng năm sẽ chấm dứt khi bạn:
- Bước sang tuổi 81
- Ngưng hút thuốc khoảng 15 năm
- Phát triển một vấn đề sức khỏe khác khiến bạn không thể phẫu thuật nếu bị ung thư phổi.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 14 thực phẩm bạn nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng cho người ung thư phổi
- Cập nhập thông tin điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ năm 2018
- Bệnh ung thư phổi với chế độ dinh dưỡng hợp lý
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!