Atiso đỏ đang được xem là 'thần dược' mới, chính vì thế, các xe hàng bày bán hoa này cũng mọc lên như nấm và việc mua bán khá rộn ràng. Trong khi đó, thông tin về công dụng và cách chế biến atiso đỏ để chữa bệnh, nhất là các loại bệnh như tiểu đường, ung thư lại thuộc dạng 'tam sao thất bản', được chia sẻ rất nhiều qua truyền miệng và trên mạng.
Hoa 'nhà quê' ra phố, đắt như tôm tươi
Trên những con đường lớn ở TPHCM như Trường Chinh, Cộng Hòa, Điện Biên Phủ... không khó để tìm được những chiếc xe 3 bánh chở đầy hoa atiso đỏ đứng thành dãy. Đều đặn khoảng 10 phút lại có 2 đến 3 khách ghé vào, từ anh chở hàng đến chị em công sở, ai cũng mua theo ký, hầu như không có trường hợp mua theo gram. Được biết, loài hoa này là loại hoa bụi có mặt ở rất nhiều vùng quê trên nước ta với nhiều tên gọi dân gian khác nhau như: hoa bụp giấm, hoa vô thường, hoa siro. Chúng chỉ nở rộ vào tháng 10 và 11 mỗi năm nên cũng dễ hiểu vì sao người ta lại tháo nhau tìm mua thời gian gần đây, những chiếc xe với núi hoa đỏ rực cũng vì thế mà tràn ra hè đường.
Những chiếc xe với núi hoa atiso đỏ tràn lan trên các con đường lớn
Anh Thanh Đức bán hoa atiso đỏ được 2 tháng nay cùng với người em họ trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) cho biết mỗi người đều có một xe hoa và chỉ tính riêng xe của anh Đức thì có ngày bán được 2 tạ. 'Khách tấp vào mua 2 đến 3 ký là chuyện bình thường. Người ta còn chả buồn lựa, cứ tới nói mua mấy ký thì tôi hốt cho rồi xách về thôi'- anh Đức cho biết. Quán nước giải khát nơi anh Đức đứng bán cũng trở thành mối quen. Mỗi ngày họ đặt mua anh 3 đến 5 ký hoa atiso đỏ, bày thành mâm phơi khô trước sân rồi chế biến thành các loại thức uống cho khách giá 10 đến 15 nghìn một ly.
Quán nước đặt mua 3 - 5 kg hoa atiso đỏ mỗi ngày để làm thức uống cho khách
Chị Huỳnh Ngân từ quận 1, trên đường về thăm người quen ở quận Thủ Đức cũng tấp vào xe hoa của anh Đức tranh thủ mua 5 ký atiso đỏ, phần cho gia đình, phần tặng bà con. Chị cho biết: 'Bình thường tôi cũng khoái uống nước của hoa này rồi vì nó ngon. Mùa nào cũng canh me mua về uống. Giờ còn nghe nó trị bệnh nữa, người ta mua quá trời nên mình cũng mua nhiều để tặng người thân. Hai tháng nay tôi mua khoảng mười mấy ký rồi chứ ít gì'.
Còn chị Thu Hà, bán hoa atiso đỏ trên đường Cộng Hòa cho biết: 'Muốn mua thì ráng tới lúc sáng chứ khoảng 3 đến 4 giờ chiều là hết hàng rồi'.
Từ 3 đến 4 giờ chiều, các xe atiso đỏ đã vãn vì bán hết hàng
Nhiều kiểu dùng, lắm công dụng
Atiso đỏ được bán trên các con đường ở Sài Gòn thường có giá là 30 nghìn một ký, mua một lượt từ 2 ký trở lên sẽ được giảm còn 25 nghìn một ký.
'Năm trước có chị trong công ty mua một lần 10 ký thì thấy cũng thích lắm. Giờ hình như nghe nói nó còn chữa được bệnh tiểu đường với ung thư nữa nên mình vừa mua xong 3 ký cho bố ngâm siro và rượu vang', bạn Tiểu Nhi, quận 2 chia sẻ.
Do được quảng cáo là có rất nhiều công dụng chữa bệnh nên atiso đỏ bán rất đắt hàng nhiều tháng nay
Theo nhiều người bán hàng cho biết nguồn hoa atiso đỏ thường từ các tỉnh như Lào Cai, Buôn Mê Thuột, Đồng Nai, Kiên Giang về. Công dụng của loại hoa này có rất nhiều tuy nhiên ai cũng chỉ 'nghe nói' hoặc ' trên mạng nói'. 'Ai tới mua cũng hỏi ngâm làm sao, chế kiểu nào, chữa bệnh gì. Tôi nói ra rả, nhiều lúc mỏi mồm quá phải bảo họ tự lên mạng mà tìm, trên mạng nhiều thông tin lắm', anh Thanh Đức nói.
Tại một xe bán hoa atiso đỏ trên đường Cộng Hòa (Tân Bình) ghé vào hỏi người bán công dụng của loại hoa này thì anh Phương, người bán hàng, lập tức lấy điện thoại ra và dẫn vài bài báo, video cho khách mua xem. Anh tiết lộ những người buôn bán 'thần dược' như anh rất chăm đọc thông tin trên mạng để cập nhật công dụng của loài thảo mộc để nói lại với người mua. Theo anh Phương, hoa atiso đỏ có hàng loạt các công dụng từ giải cảm, trị ho, thanh lọc cho đến chữa tiểu đường, hư thận và nhiều bệnh khác.
Cánh hoa và đài hoa đều được cho là có công dụng chữa bệnh
Atiso - 'thần dược' chưa có lời giải?
Bản thân những người mua cũng chỉ là truyền tai nhau hoặc đọc tin tức, bình luận trực tuyến mà tìm đến hoa atiso đỏ. Trên các diễn đàn và facebook cũng chia sẻ cho nhau rất nhiều cách chế biến hoa atiso đỏ để chữa bệnh, đa số là ngâm với đường hoặc rượu, nhưng loại đường hay loại rượu nào, ngâm bao lâu, ngâm như thế nào thì mỗi người mỗi vẻ. Ngoài ra người ta còn rỉ tai nhau phơi khô làm mứt, làm siro, nấu canh, trộn rau, kết hợp với loại cây khác với đủ kiểu công thức.
'Hồi trước nhà tôi chuyên dằm và ngâm cánh hoa với đường để làm thức uống giải khát. Giờ tôi phải tìm thêm trên mạng cách ngâm đài hoa để chữa bệnh tiểu đường. Mà khó quá, người bảo kiểu này, người kêu kiểu kia mới đúng. Thôi thì chọn một cái mà làm theo, dù sao uống nó cũng có lợi mà', chị Ngân, một người hay uống loại hoa này cho hay.
Cẩn trọng khi sử dụng
Cây atiso đỏ hay còn gọi là bụp giấm được dùng làm thuốc tại một số nước, nó có tác dụng hạ huyết áp, giảm men gan ở liều thấp, có tính kháng khuẩn, lợi tiểu, hạ cholesterol máu…riêng tác dụng trị bệnh tiểu đường hay ung thư thì chưa có tài liệu nghiên cứu được công bố chính thức.
Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng vì atiso đỏ có vị chua, tính lạnh nên ở những người có biểu hiện không dung nạp với thời tiết lạnh, thức ăn đồ uống sống - lạnh và có bệnh viêm loét dạ dày, dễ tiêu chảy thì nên thận trọng khi sử dụng. Đồng thời, loại atiso này cũng có ít nhiều độc tính, khi nghiên cứu trên loài chuột cho thấy khi sử dụng liều cao trên 5000 mg / 1 kg cân nặng, có tổn thương tinh hoàn ở chuột thí nghiệm và liều cao atiso đỏ có thể gây tăng men gan ...
Để sử dụng an toàn cần dùng với liều thấp từ 5 – 8 g/ ngày và nếu dùng trị bệnh cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.
Còn đối với những loài cây được cho là 'thần dược' khác như cây đinh lăng, nhàu, nở ngày đất…đều có tác dụng trị bệnh nhất định của nó. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cây thuốc nào được gọi là thần dược cả. Vì bệnh thường là do một chuỗi các rối loạn của nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau trong cơ thể, nên nếu hy vọng chỉ dùng một cây thuốc để trị dứt bệnh là rất khó. Những bệnh nan y thì càng không được. Không nên nghe lời mách bảo của những người không có chuyên môn mà từ chối cách trị liệu đã được chứng minh qua thực tế và nên tuân thủ ý kiến của chuyên gia.
Bác sĩ Trần Văn Năm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Y Dược học Dân tộc TPHCM
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!