Mứt gừng là một món ăn vặt truyền thống của người Việt trong dịp Tết, được rất nhiều người, nhất là người già, yêu thích. Cách làm mứt gừng không khó nhưng bạn cần lưu ý đến khâu chọn nguyên liệu để món mứt ngon hơn.
Gừng có tính ấm nên món mứt gừng rất thích hợp với tiết trời giá rét của miền Bắc trong những ngày Tết hay khi bạn bị lạnh bụng, đầy bụng hoặc buồn nôn khi ngộ độc thực phẩm. Vừa nhấm nháp miếng mứt gừng cay cay, thơm thơm vừa nhâm nhi tách trà nóng và quây quần bên gia đình sẽ mang đến cho mọi người cảm giác sum vầy những ngày đầu năm. Ngoài ra, nếu bị say tàu xe, việc nhấm nháp vài lát mứt gừng trong chuyến hành trình sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.
Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ mách bạn cách làm mứt gừng lát, cách làm mứt gừng dẻo với đu đủ, cách làm mứt gừng dẻo ngon với thơm (dứa)… để gia tăng hương vị cho khay mứt Tết.
Mách bạn cách chọn gừng để làm món mứt gừng ngon, đẹp
Để có món mứt gừng thơm ngon, miếng mứt phải không quá mềm hay quá xơ và cay, bạn nên chọn gừng thật kỹ. Tùy theo món mứt, bạn nên chú ý khâu chọn gừng.
Bí quyết trong cách làm mứt gừng lát truyền thống thơm ngon là bạn nên chọn gừng không quá non, không quá già. Nếu bạn chọn gừng non, mứt sẽ bị mềm, trong khi đó gừng quá già sẽ khiến miếng mứt quá cay và bị xơ, ăn dính răng, mất ngon. Với cách làm mứt gừng dẻo, bạn nên chọn gừng non để mứt không bị xơ, cay vừa phải nhưng vẫn dậy mùi thơm đặc trưng của gừng.
Ngoài ra, bạn nên chọn mua gừng Việt Nam (hay còn gọi là gừng ta), tránh mua gừng Trung Quốc. Nguyên do là vì gừng Trung Quốc có thể chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại. Khi chọn mua gừng, bạn nên chọn những củ có nhánh to đều để dễ gọt vỏ và khi thái sẽ có những lát gừng đẹp, ít bị vụn.
Bí quyết phân biệt gừng Trung Quốc và gừng Việt Nam là bạn dựa vào các tiêu chí sau:
- Hình dáng – Kích thước: Gừng Trung Quốc củ khá to, đều, ít nhánh, vỏ trông trơn láng, đẹp mắt. Trong khi đó, củ gừng Việt Nam thường nhỏ, nhiều nhánh, củ trông gân guốc với lớp vỏ sần sùi. Gừng Trung Quốc thường to gấp 2 – 3 lần củ gừng Việt Nam.
- Màu sắc: Gừng Trung Quốc thường có màu vàng rất nhạt, bề mặt vỏ trơn láng, sạch sẽ nên rất dễ cạo rửa. Ngược lại, gừng Việt Nam có màu đậm hơn, ở các kẽ nhánh còn dính đất nên gây khó khăn trong việc cạo rửa.
- Lõi của củ gừng: Với gừng Trung Quốc, bạn sẽ thấy phần lõi gừng thường khá mờ nhạt, đường vân phân biệt lõi với lớp thịt bên ngoài rất mờ nhạt và thường rất ít xơ. Củ gừng Việt Nam có lõi màu vàng đậm, đường vân rõ nét và khá nhiều xơ ở giữa.
- Hương vị:Tuy gừng Trung Quốc trông rất bắt mắt nhưng không thơm, thiếu hẳn vị cay nồng. Trong khi đó, gừng Việt Nam có mùi thơm đặc trưng, vị cay nồng dễ chịu.
Cách làm mứt gừng lát truyền thống thơm ngon
Nguyên liệu
- Gừng tươi đã làm sạch: 500g
- Đường cát trắng: 500g
- Muối: 1 – 2 thìa cà phê
Thực hiện
Sơ chế
- Gừng mua về nếu có nhiều đất dính trong kẽ củ, bạn nên phơi gừng khoảng 1 giờ để đất khô, dễ làm sạch hơn. Khi đất khô, bạn đập nhẹ từng củ gừng để đất rơi ra. Bạn có thể dùng bàn chải đánh răng cũ để cọ rửa đất giữa các nhánh củ.
- Gừng để nguyên củ, rửa cho sạch đất, dùng dao sắc gọt sạch vỏ. Tránh làm gãy các nhánh gừng để mứt không bị vụn.
- Sau khi gọt vỏ cần rửa lại cho sạch, để ráo, thái thành từng miếng không quá mỏng cũng không quá dày. Nếu không khéo thái, bạn nên chọn loại dao hai lưỡi để bào gừng.
Ướp gừng
- Gừng bào xong, bạn rửa lại nhiều lần với nước sạch cho bớt cay. Đun nước sôi, cho muối vào, đổ gừng vào luộc để giảm độ cay của gừng. Khi thấy nước sôi đều trở lại, vớt ra, xả nhiều lần với nước lạnh, để ráo.
- Bạn cho gừng và đường theo tỷ lệ 1 : 1 vào chảo to, đáy dày để ướp. Chờ đến khi đường tan hết, bắc lên bếp để sên.
Sên mứt gừng
- Khi đường tan hết, bạn bắc chảo lên bếp, nấu với lửa lớn cho mau sôi. Nhớ canh chừng để gừng không cháy và tránh tình trạng nồi mứt sôi trào ra ngoài. Thỉnh thoảng, bạn dùng đũa đảo đều để gừng không bị cháy và thấm đường.
- Khi thấy chảo mứt sệt lại, hạ lửa nhỏ, dùng đũa đảo đều tay cho đến khi đường kết tinh màu trắng bám vào từng lát gừng. Lưu ý là trong quá trình sên mứt, bạn nhớ đảo nhẹ tay và tách các lát gừng để chúng không dính lại với nhau và không bị nát.
- Khi đường đã kết tinh bám đều từng lát gừng, ăn thử thấy miếng mứt đã khô, bạn tắt bếp, nhấc chảo mứt xuống. Bạn rải mứt ra khay để mứt nhanh nguội.
Bảo quản
Mứt nguội, bạn cho vào hũ thủy tinh hay bịch nilông để bảo quản. Nếu muốn để mứt được lâu, bạn nên trữ mứt trong ngăn mát tủ lạnh.
Cách làm mứt gừng dẻo với đu đủ ngon khó cưỡng
Bạn từng ăn mứt gừng dẻo với đu đủ chưa? Vị gừng cay cay, thơm nồng hòa quyện với độ giòn của đu đủ, vị béo thơm của đậu phộng tạo nên món mứt gừng dẻo vô cùng thơm ngon và lạ miệng. Hãy cùng Hello Bacsi học cách làm mứt gừng dẻo với đu đủ và tự tin vào bếp trổ tài làm món mứt lạ miệng này đãi khách những ngày Tết.
Mách bạn cách làm món mứt gừng dẻo với đu đủ thơm ngon, bạn cần đặc biệt lưu ý trong khâu chọn nguyên liệu. Với đu đủ, bạn nên chọn đu đủ già để sau khi sên mứt được giòn còn với gừng, bạn hãy chọn gừng hơi non để mứt không bị xơ và không quá cay.
Nguyên liệu
- Đu đủ xanh, già: 300g
- Gừng non: 250g
- Đường: 400g
- Chanh: 1 – 2 quả
- Muối ăn: 2 – 3 thìa cà phê
- Đậu phộng: 50g
- Bao nilông: 100g.
Thực hiện
Sơ chế
- Cũng tương tự như cách làm mứt gừng lát truyền thống, bạn cần làm sạch củ gừng trước khi chế biến.
- Gừng để nguyên củ, sau khi gọt vỏ, rửa sạch, để ráo, bạn dùng dao sắc, lưỡi mỏng thái gừng thành sợi nhỏ, nhuyễn rồi xả với nước nhiều lần. Cho gừng vào thau bóp kỹ với muối, bạn nhớ đeo bao tay kẻo tinh dầu gừng bám vào da gây nóng. Sau đó, vắt ráo, rồi xả với nước nhiều lần cho gừng bớt cay. Ngoài ra, bạn cũng có thể chần sơ gừng với nước sôi để giảm độ cay của món mứt.
- Đu đủ gọt vỏ, rửa sạch, nạo thành sợi dài, bóp kỹ với muối rồi xả sạch, vắt khô.
- Đậu phộng nhặt bỏ hạt lép, rang vàng, chà sạch vỏ, giã nhỏ.
Ướp đường
- Bạn cho gừng, đu đủ, đường, nước cốt chanh vào thố hoặc thau nhỏ, trộn đều, ướp cho đường tan hết. Nếu muốn đường nhanh tan, sau khi trộn đều các nguyên liệu trên, bạn mang ra phơi dưới trời nắng to khoảng 20 phút.
- Lưu ý: Khi phơi, bạn nhớ dùng vải mùng hay lưới che chắn cẩn thận, tránh ruồi, kiến và các côn trùng khác bò vào.
Sên mứt
Khi đường tan, bạn trút hỗn hợp đu đủ, gừng, đường vào chảo to, dày, đặt lên bếp đun với lửa vừa. Thỉnh thoảng, bạn nên dùng đũa đảo để mứt không bị cháy. Khi thấy nước đường hơi sệt lại, bạn hạ lửa nhỏ, đảo đều tay để không bị cháy. Bạn nấu cho đến khi đường sệt lại đặc quánh, gừng, đu đủ thành sợi trong, dẻo thì tắt bếp, đổ đậu phộng (lạc rang) đã giã vào trộn đều.
Bảo quản
Bạn có thể chia mứt thành từng phần nhỏ rồi dùng bao nilông gói lại thành dạng như chiếc kẹo. Đến đây, bạn đã có món mứt gừng dẻo với đu đủ thơm ngon để đãi khách nhân dịp Tết.
Cách làm mứt gừng dẻo ngon với thơm cực dễ
Trong khay bánh mứt ngày Tết, món mứt gừng dẻo ngon với thơm (dứa) chắc chắn sẽ rất kích thích vị giác bởi mùi thơm nồng của gừng quyện cùng vị chua thanh của thơm. Hello Bacsi mách bạn cách là mứt gừng dẻo ngon với thơm để khay bánh mứt ngày Tết thêm đa dạng.
Nguyên liệu
- Gừng non: 400g
- Đường: 300g
- Thơm: 1/2 quả to
- Muối: 1 thìa súp
- Nước cốt chanh (nếu thích): 2 thìa súp
- Mè rang vàng: 100g
- Bao nilông: 100g.
Thực hiện
Sơ chế
- Gừng rửa sạch, gọt vỏ, xả lại cho sạch, thái thành sợi nhỏ, nhuyễn, xả nhiều lần cho bớt cay, ngâm trong nước muối loãng. Bắc nồi nước lên bếp, đun sôi, trút gừng vào luộc sơ, vớt ra cho vào thau nước lạnh, ngâm khoảng 10 – 15 phút rồi vớt ra để ráo.
- Thơm gọt vỏ, cắt bỏ mắt, cùi, thái hạt lựu to cỡ đầu ngón tay út.
Ướp đường
Bạn cho gừng, thơm, đường vào thố, dùng muỗng trộn đều, ướp khoảng 1 – 2 giờ cho đường tan hết. Thỉnh thoảng, bạn đảo để đường tan nhanh và gừng, thơm thấm đều.
Sên mứt
Bạn đổ hỗn hợp đã ướp vào chảo to, đáy dày, nấu trên lửa vừa, khi sôi đều thì hạ lửa. Bạn nên đảo thường xuyên để gừng, thơm thấm đường và không bị cháy. Sên đến khi đường quánh lại, gừng và thơm kéo thành sợi dẻo thì tắt bếp. Trút mứt ra khay, để nguội, mứt nguội, bạn rắc mè đã rang vàng lên, trộn đều.
Bảo quản – Trình bày
Để dễ ăn, bạn dùng bao nilông gói mứt dẻo lại thành từng phần nhỏ như chiếc kẹo. Món mứt gừng dẻo với thơm lạ miệng đã sẵn sàng để bạn nhâm nhi trong dịp Tết và đãi khách.
Mời bạn xem thêm bài Mách bạn cách làm mứt dừa tại nhà cực dễ.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng gừng và mứt gừng
Gừng có tính ấm, do đó bạn không nên ăn quá nhiều gừng hay mứt gừng để tránh bị nóng bụng.
Dân gian có câu: “Sáng sớm ăn gừng, tốt hơn cả uống nước sâm. Buổi tối ăn gừng, ngang với ăn thạch tín” nói lên tác hại của việc dùng gừng không đúng cách. Nguyên do là vì buổi sáng, khí trong dạ dày nhiều, ăn một chút gừng giúp dương khí bốc lên, thúc đẩy tuần hoàn máu, kích thích tiết dịch dạ dày, thúc đẩy tiêu hóa. Ngược lại, vào lúc nửa đêm, âm khí thịnh phát, dương khí co lại, ăn gừng vào buổi tối sẽ vi phạm quy luật tự nhiên này gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và sự trao đổi chất trong cơ thể.
Ngoài ra, những người thường xuyên bị mất ngủ, hay bị khô miệng, thường xuyên khát nước, nóng trong người, táo bón, viêm túi mật, đái tháo đường, bệnh trĩ… không nên ăn gừng và mứt gừng.
Quan Lan/HELLO BACSI
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Cách làm mứt khoai lang vàng ươm đón Tết
- Tác dụng phụ của gừng
- Những lợi ích từ gừng sẽ khiến bạn bất ngờ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!