Trước đó, bệnh nhân nam Nguyễn Ngọc Đ. (74 tuổi, trú tại Hương Phong, Hương Trà, Thừa Thiên Huế) được nhập viện và chẩn đoán: viêm phổi, tràn dịch màng phổi trái, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bệnh nhân được nội soi phế quản ống mềm và nghi ngờ có dị vật ở phế quản thùy dưới trái, vị trí tiếp xúc của dị vật tăng sinh mô hạt nhiều, niêm mạc phế quản thùy dưới viêm đỏ, phù nề, có nhiều mủ chảy ra từ phế quản thùy dưới.
Kết quả CT Scan phổi cũng cho kết quả viêm phổi tắc nghẽn ở toàn bộ thùy dưới phổi do các mảnh dị vật cản quang. Viêm dãn phế quản ở thùy dưới phổi bội nhiễm rải rác ở phổi hai bên, tràn dịch màng phổi lượng vừa.
Qua điều tra bệnh sử, bệnh nhân nghi ngờ có sặc dị vật vào đường thở sau ăn canh cá khoảng 5 năm trước nhưng cứ ngỡ đã ho khạc ra nên không để ý. Sau đó hay bị ho, khạc đàm, khó thở từng đợt điều trị không khỏi dứt điểm. Đợt này bệnh nhân vào viện do ho, khạc đàm, khó thở đã kéo dài đã 1 tháng.
Đến ngày 21/4, bệnh nhân đã được nội soi phế quản ống mềm lấy được dị vật là mảnh xương hình khối, kích thước khoảng 12x13x11mm ở phế quản thùy dưới trái.
Di vật được lấy ra từ phế quản của bệnh nhân sau 5 năm bị 'bỏ quên'
Quá trình lấy dị vật hơi khó khăn do dị vật nằm đã lâu trong lòng phế quản gây viêm phổi nghẽn, tăng sinh mô hạt nhiều nên phải giải phóng mô hạt, súc rửa phế quản sau đó mới có thể tiến hành gắp dị vật.
Theo BS CKII Hoàng Thị Lan Hương, PGĐ Bệnh viện Trung ương Huế đây là trường hợp dị vật phế quản bỏ quên đã được lấy ra. Bệnh nhân không nhớ tiền sử sặc dị vật vào đường thở hoặc không nghĩ rằng đã sặc vào phổi mà cứ ngỡ đã nuốt vào dạ dày và theo phân ra ngoài.
Đa số các trường hợp dị vật phế quản bỏ quên thường gây nhiễm trùng phế quản phổi dai dẳng, tái lại sau khi ngừng kháng sinh, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm. Thời gian dị vật nằm trong phế quản càng dài gây kích thích tăng sinh mô hạt càng nhiều ở vị trí phế quản tiếp xúc với dị vật gây nên tình trạng viêm phổi nghẽn tái đi tái lại, gây khó khăn khi lấy dị vật...và có thể để lại di chứng như giãn phế quản, hẹp lòng phế quản do sẹo sau khi dị vật đã được lấy ra.
Nguyên nhân dị vật phế quản có chủ yếu là do bất cẩn khi ăn uống. Ngoài ra có thể do các nguyên nhân khác: răng giả hay răng sắp rụng, say rượu, rối loạn ý thức, thói quen ngậm đồ vật…
Để phòng ngừa dị vật phế quản, BS CKII Hoàng Thị Lan Hương đưa ra lời khuyên nên chế biến thức ăn kỹ lưỡng, ăn chậm, nhai kỹ, trong lúc ăn không được cười đùa, la hét, không nên uống nước khe suối, nên tháo răng giả khi đi ngủ.../.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!