Insulin - Dùng thế nào cho đúng?

Cần biết - 11/24/2024

Insulin là hormone duy nhất của cơ thể đóng vai trò làm giảm đường huyết thông qua cơ chế giúp tăng khả năng sử dụng glucose của các tế bào.

Do đó, insulin được sử dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường nhằm ngăn ngừa các biến chứng xảy ra khi đường huyết tăng cao.

Vai trò của insulin trong điều trị đái tháo đường

Ở người mắc ĐTĐ typ I, chức năng của tế bào tụy suy giảm nên khả năng sản sinh ra insulin giảm. Bởi vậy, sự thiếu hụt insulin trong máu bệnh nhân là tuyệt đối. Đây là lý do ĐTĐ typ I còn được gọi là ĐTĐ thể phụ thuộc insulin. Ở người mắc ĐTĐ typ II, nồng độ insulin máu ít suy giảm, nhưng tính đề kháng insulin lại cao.

Chính vì vậy, người bệnh ĐTĐ typ I bắt buộc phải dùng insulin từ khi được chẩn đoán, còn ở người bệnh ĐTĐ typ II, thường sau một thời gian dùng thuốc uống làm giảm tính đề kháng insulin kết hợp với thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện mà không kiểm soát được đường huyết sẽ được chỉ định dùng insulin.

Insulin - Dùng thế nào cho đúng?

Nên thay đổi vị trí mỗi lần tiêm insulin.

Insulin tác dụng thông qua receptor đặc hiệu trên màng tế bào. Sau khi gắn với receptor, insulin làm tăng hoạt tính của các chất vận chuyển glucose vào tế bào cơ, tế bào gan và mô mỡ làm tăng chuyển hóa glucose sinh năng lượng.

Ở gan, insulin làm tăng tổng hợp glycogen. Ở mô mỡ, insulin làm tăng tổng hợp và dự trữ lipid, tăng tổng hợp protein và có tác dụng ức chế tạo thể cetonic do làm giảm quá trình phân giải và oxy hóa các acid béo. Khi dùng insulin, đường huyết được kiểm soát nên hạn chế được các biến chứng nguy hiểm kể trên.

Những nguy cơ khi sử dụng

Tương tự như các thuốc khác khi được đưa từ bên ngoài vào cơ thể, insulin có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Những tác dụng không mong muốn này bao gồm: Phản ứng dị ứng tại chỗ như xuất hiện các vết mẩn đỏ, phù hoặc ngứa tại vị trí tiêm.

Phản ứng này có thể không phải bởi bệnh nhân dị ứng insulin, mà liên quan đến yếu tố khác như dị ứng với các thành phần tá dược, chất sát khuẩn, hoặc tiêm quá nông. Phản ứng dị ứng toàn thân hiếm gặp hơn gây cơn khó thở, hạ huyết áp, tăng nhịp tim hoặc vã mồ hôi.

Nếu tiêm insulin lặp lại tại một vị trí nhiều lần dẫn tới loạn dưỡng lipid làm tăng sinh hoặc teo lớp mỡ dưới da dẫn tới tăng hoặc giảm khả năng hấp thu insulin cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả điều trị. Thêm vào đó, insulin cũng có thể gây tăng cân do tác dụng kích thích quá trình đồng hóa.

Insulin - Dùng thế nào cho đúng?

Kỹ thuật tiêm insulin.

Nguy cơ thường gặp nhất và rất cần quan tâm khi sử dụng insulin là các cơn hạ đường huyết. Người bệnh cần biết cách sử dụng insulin hợp lý để tránh được các cơn hạ đường huyết này. Nồng độ đường huyết giảm mạnh và đột ngột khiến bệnh nhân có những triệu chứng suy nhược, yếu mệt, run rẩy, chóng mặt, choáng váng, nhức đầu, cảm giác đói lả, rối loạn thị giác, rối loạn cảm xúc, cáu giận, vã mồ hôi, lú lẫn, thậm chí có thể dẫn đến hôn mê.

Lời khuyên sử dụng insulin đúng cách

Đường huyết tăng cao hoặc giảm thấp đều là mối nguy đối với sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân đái tháo đường. Do đó, người bệnh cần nắm được cách sử dụng insulin đúng nhằm kiểm soát lượng đường huyết trong mục tiêu điều trị:

Thăm khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và lựa chọn phác đồ, loại insulin, liều điều trị phù hợp: Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại insulin khác nhau về đặc tính dược động học và thời gian tác dụng. Tùy thuộc vào thể ĐTĐ, tuổi tác của bệnh nhân, mục tiêu điều trị, chế độ ăn uống sinh hoạt và bệnh lý mắc kèm của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ, loại insulin và liều dùng thích hợp. Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý dừng thuốc, đổi thuốc, hướng dẫn người khác dùng thuốc giống mình.

Insulin - Dùng thế nào cho đúng?

Các vị trí tiêm insulin.

Bảo quản insulin đúng cách: Tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng để tránh nguy cơ hoạt tính của thuốc bị thay đổi. Thông thường, insulin được khuyến cáo bảo quản ở nhiệt độ dưới 25 độ C, tránh ánh sáng trực tiếp và các nguồn sinh nhiệt. Tốt nhất là được bảo quản ở 2- 6 độ C trong ngăn mát tủ lạnh. Chú ý, không để insulin trong ngăn đá tủ lạnh hoặc các tủ đông lạnh. Lọ insulin đã mở nắp không sử dụng quá 28 ngày.

Khi tiêm insulin, người bệnh ĐTĐ cần đặt kim tiêm đúng cách. Không xoa bóp vùng vừa tiêm do có thể làm thay đổi mức độ hấp thu insuin.

Lưu ý kỹ thuật lấy thuốc, kỹ thuật tiêm thuốc dưới da: Kỹ thuật lấy thuốc, tiêm thuốc rất quan trọng trong việc đảm bảo sự hấp thu đầy đủ liều lượng thuốc, góp phần duy trì hiệu quả điều trị. Với các thuốc dạng hỗn dịch (đục như sữa) cần lắc nhẹ để thuốc được trộn đều trong ống. Khi lấy thuốc, tránh bọt khí trong xi lanh gây đau khi tiêm. Đặt kim tiêm thẳng góc 90° hoặc nghiêng 45° trên vùng da kéo nhẹ hoặc không. Chờ 10 giây trước khi rút xi lanh tiêm để insulin có thời gian khuyếch tán, sau đó rút nhanh kim tiêm để tránh insulin thoát ra ở vị trí tiêm. Không xoa bóp vùng vừa tiêm do có thể làm thay đổi mức độ hấp thu insulin.

Luân phiên vị trí tiêm ở các vùng khác nhau của cơ thể: Để tránh gây loạn dưỡng lipid ảnh hưởng đến sự hấp thu insulin và khả năng kiểm soát đường huyết, có thể chọn cùng một vùng tiêm cho các mũi vào một giờ tiêm nhất định. Tại cùng một khu vực tiêm, các mũi có thể tiêm ở các vị trí cách nhau 2- 3 cm. Lưu ý: Tiêm ở cánh tay cho thời gian tác dụng trung bình, tiêm ở vùng bụng cho tác dụng nhanh, tiêm ở đùi cho tác dụng chậm hơn.

Theo dõi chặt chẽ đường huyết và HbA1c để hiệu chỉnh liều insulin cho phù hợp: Mục tiêu đường huyết lúc đói trong khoảng 3,9- 6,7 mmol/l và 2 giờ sau bữa ăn đường huyết dưới 7,8 mmol/l. Đối với người cao tuổi, mục tiêu đường huyết là 5,6- 8,3 mmol/l lúc đói và dưới 11,1 mmol/l sau bữa ăn. Đối với phụ nữ có thai, mục tiêu đường huyết là dưới 5,3 mmol/l trước bữa ăn và dưới 6,7 mmol/l sau bữa ăn. Bên cạnh theo dõi nồng độ đường huyết, HbA1c là chỉ số phản ánh giá trị của nồng độ đường huyết trong 2- 3 tháng. Mục tiêu HbA1c dưới 6,5 % đến 7 % trong trường hợp đã kiểm soát tốt được bệnh.

Hiểu rõ về những biểu hiện của cơn hạ đường huyết và cách chống hạ đường huyết: Nên dự trữ bên mình những loại đường hấp thu nhanh, viên kẹo, viên đường để tránh nguy cơ hạ đường huyết quá mức. Nếu xuất hiện cảm giác yếu mệt, lơ mơ, trống ngực cần được cấp cứu kịp thời.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!