Kệ con khóc để luyện ngủ cho con nhưng sau khi đọc được 1 câu chuyện, bà mẹ này không bao giờ làm thế nữa

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Bạn nên nghe theo trực giác của mình trong vấn đề luyện ngủ cho con.

Mới đây, tôi có chia sẻ trên mạng xã hội về 'cuộc chiến' luyện ngủ cho con 6 tháng tuổi của chúng tôi. Rất nhiều người đã liên hệ để bày tỏ rằng họ cũng đang vô cùng vất vả luyện con ngủ. Và tôi không bất ngờ vì điều đó.

Rèn con ngủ xuyên đêm có thể là một trong những thành công được mong đợi nhất của các phụ huynh. Tuy nhiên, có quá nhiều thông điệp lẫn lộn về cách xử lý quá trình này. Có quan điểm cho rằng hãy để trẻ khóc cho tới khi tự nín nín. Lại một luồng quan điểm khác thì bày tỏ rằng nên vỗ về, xoa dịu trẻ. Rồi hãy bế trẻ lên nhưng có người thì khuyên đừng bế trẻ lên. Để phòng thật tối hay nên để đèn ngủ đêm cho trẻ. Một số thì khuyên nên bật máy ghi âm tiếng mẹ, số khác lại theo trào lưu luyện ngủ im lặng hoàn toàn... Thật quá nhiều thông tin khiến mọi người hoang mang!

Cố gắng tìm ra cách phù hợp nhất cho bạn và con bạn trong vấn đềluyện ngủ cho con quả là một thử thách lớn lao. Vậy là bạn phải lên kế hoạch, thực hiện và mong chờ thành công, trong lúc phải chịu đựng tình trạng cực kỳ thiếu ngủ. Toàn bộ chuyện này thật khó khăn đối với chúng tôi và tôi biết, nhiều người khác cũng rơi vào cảnh tương tự.

Kệ con khóc để luyện ngủ cho con nhưng sau khi đọc được 1 câu chuyện, bà mẹ này không bao giờ làm thế nữa

Cố gắng tìm ra cách phù hợp nhất cho bạn và con bạn trong vấn đề luyện ngủ cho con quả là một thử thách lớn lao (Ảnh minh họa).

Dù không phải là chuyên gia về giấc ngủ trẻ sơ sinh, tôi tin tưởng chắc chắn rằng bạn nên nghe theo trực giác của mình trong vấn đề luyện ngủ cho con.

Và đây là lý do tại sao tôi sẽ luôn bế con lên mỗi khi con khóc trong quá trình luyện ngủ cho con:

Vài tháng trước, tôi tình cờ đọc được một câu chuyện trên mạng. Tôi không nhớ chính xác đã đọc ở đâu hay ai viết nó. Nhưng thông điệp của câu chuyện thì tôi khắc ghi. Tác giả chia sẻ về chuyến tới thăm một trại trẻ mồ côi ở nước ngoài. Bà bị ấn tượng mạnh ngay từ khi bước chân vào bởi số lượng trẻ sơ sinh mà các nhân viên ở đó phải chăm sóc. Nhưng rồi bà chợt nhận thấy, không đứa trẻ nào cất tiếng khóc. Tất cả đều nằm lặng lẽ trong nôi của mình. Một số đang ngủ. Nhưng nhiều bé vẫn thức. Tuy nhiên, tuyệt nhiên không hề có một tiếng khóc.

Khi hỏi một người chăm sóc ở trại trẻ mồ côi tại sao họ có thể giữ cho bọn trẻ im lặng đến thế, câu trả lời mà bà nhận được khiến bà đau đớn cõi lòng. Nhân viên trại trẻ nói rằng, có quá nhiều bé sơ sinh ở đây và họ không thể bế hết các em lên mỗi lần trẻ khóc đòi. Theo thời gian, những đứa trẻ hiểu rằng, bất kể chúng có khóc to thế nào, lâu đến đâu, cũng chẳng ai đến bế chúng dậy. Vậy là bọn trẻ ngừng khóc.

Kệ con khóc để luyện ngủ cho con nhưng sau khi đọc được 1 câu chuyện, bà mẹ này không bao giờ làm thế nữa

Quyết định bế con lên bất cứ khi nào con khóc có thể khiến tôi phải trải qua nhiều đêm thiếu ngủ (Ảnh minh họa).

Khi đọc được câu chuyện đó, tôi mới chỉ sinh bé được vài tuần. Và bạn có thể hình dung được tôi đã khóc nhiều tới mức nào. Nhưng ngay cả bây giờ, khi nhớ lại câu chuyện, tôi vẫn thấy mình rưng rưng. Tôi nghĩ về tất cả những em bé tội nghiệp ấy, không có ai để bế các con lên. Không ai ôm ấp, vỗ về các con. Và tôi thì ở đây, băn khoăn việc có nên để kệ con như vậy trong nỗ lực luyện cho bé ngủ hay không. Đột nhiên, tôi thấy có gì đó sai sai. Trong khi tôi hết lòng tin tưởng rằng, phải có giá trị nhất định trong việc dạy con tự ngủ trở lại, cá nhân tôi lại vất vả chống chọi để tìm ra ranh giới giữa việc luyện con ngủ nề nếp và việc bỏ mặc con.

Vậy chúng ta nên làm gì?

Tôi và ông xã đã thảo luận rất lâu về vấn đề giấc ngủ của con. Tất cả những lời khuyên mà chúng tôi nhận được là cứ kệ bé khóc tới khi nín thì thôi. Và chúng tôi cũng đã thử cách đó. Mỗi tối, khi con mãi mà chưa ngủ nổi, chúng tôi để con khóc (ít ra là một chút thôi). Nhưng trong thâm tâm, chúng tôi cảm thấy có điều không ổn.

Kệ con khóc để luyện ngủ cho con nhưng sau khi đọc được 1 câu chuyện, bà mẹ này không bao giờ làm thế nữa

Một trong những điều quan trọng nhất với tôi trong vai trò làm mẹ là đảm bảo rằng, các con biết tôi lúc nào cũng sẽ có mặt ở đó vì chúng (Ảnh minh họa).

Một ngày nọ, tôi chia sẻ câu chuyện mình đọc được với ông xã. Và một lần nữa, vừa kể vừa trào nước mắt. Lần này, có thể do tôi bị thiếu ngủ nghiêm trọng, chứ không hẳn vì hormone cảm xúc dâng trào. Nhưng vẫn có điều gì đó gờn gợn mà chúng tôi cảm nhận được từ câu chuyện. Một trong những điều quan trọng nhất với tôi trong vai trò làm mẹ là đảm bảo rằng, các con biết tôi lúc nào cũng sẽ có mặt ở đó vì chúng.

Những người phản đối có thể nói rằng, một phần của việc đó là phải dạy trẻ tự ngủ. Nhưng trong khi tôi nằm trên giường mình, lắng nghe tiếng con khóc gọi mẹ trong phòng con, trực giác mách bảo tôi hãy bế con lên. Vậy là, vào khoảnh khắc tôi kể cho chồng nghe câu chuyện ở trại trẻ mồ côi, sau khi lau sạch nước mắt, chúng tôi đã đưa ra quyết định: Chúng tôi sẽ bế con gái lên.

Có thể khi con lớn hơn và tôi có thêm vài tháng mất ngủ vì quyết định này, chúng tôi sẽ xem xét lại biện pháp mặc kệ cho bé khóc đến khi tự nín. Nhưng hiện tại, điều tốt nhất cho gia đình chúng tôi là không để tiếng khóc leo thang thành tiếng thét gào, không để đồng hồ hẹn giờ chỉ đạo khi chúng tôi bước vào phòng, trấn an con gái rằng con vẫn yên ổn. Chúng tôi sẽ bế con lên khi cảm nhận đó là việc làm tốt nhất, khi cảm thấy dỗ dành con tốt hơn cho con so với nguy cơ kéo dài thêm những đêm mất ngủ của chúng tôi. Và nếu đúng tâm trạng, tôi thậm chí có thể để con ngủ trên tay mình.

Vì vậy, trong khi tôi có thể không bao giờ ngủ đủ được nữa, tôi vẫn hi vọng những em bé trong trại trẻ mồ côi có thể tìm cho mình một gia đình yêu thương. Rốt cuộc, các con sẽ học được rằng, các con được quan tâm và sẽ có người bế các con lên mỗi lần khóc.

Tác giả bài viết - Talya Knable là mẹ của 2 con nhỏ, cô cũng là người sáng lập ra blog The Mother Fix - nơi chia sẻ và hỗ trợ trực tuyến cho các bà mẹ về kiến thức nuôi dạy con.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!