Mới đây, ca sĩ Trần Lập chia sẻ trên trang cá nhân của mình thông tin anh bị mắc căn bệnh ung thư trực tràng. Sáng ngày 6/11, anh đã tiến hành phẫu thuật. Rất nhiều bạn bè và người hâm mộ bày tỏ sự lo lắng trước cuộc chiến của nam ca sĩ với căn bệnh ung thư này. Vậy căn bệnh mà ca sĩ Trần Lập đang mắc nguy hiểm như thế nào và khả năng phục hồi của anh sau phẫu thuật sẽ là bao nhiêu là câu hỏi mà nhiều người hâm mộ quan tâm.
Ca sĩ Trần Lập chia sẻ hình ảnh và thông tin bệnh tật của mình trên trang cá nhân
Ung thư trực tràng - căn bệnh phổ biến ở nam giới
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có 1.000.000 ca mắc ung thư đại trực tràng. Tại Mỹ, theo số liệu được cung cấp bởi Viện Ung thư Quốc gia và Hiệp hội Ung thư Trung ương Bắc Mỹ, năm 2014, có khoảng 71.830 nam giới và 65.000 nữ giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại trực tràng, với tỷ lệ tử vong lên tới 36% ở cả nam và nữ giới. Năm 2015, Hiệp hội Ung thư Mỹ ước tính có khoảng 93.000 trường hợp ung thư đại tràng và 39.600 trường hợp mắc ung thư trực tràng.
Tại Việt Nam, tuy chưa có con số thống kê cụ thể về số người mắc ung thư trực tràng, nhưng theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, năm 2014, các loại bệnh ung thư phổ biến nhất gồm ung thư phổi, thực quản, dạ dày, gan, đại trực tràng, ung thư vú, buồng trứng, tử cung, cổ tử cung, ung thư thận. Trong đó, ở nam giới, phổ biến nhất là ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng, trong khi ung thư vú, tử cung và cổ tử cung, buồng trứng là phổ biến ở nữ giới.
Nguyên nhân gây bệnh
Ngoài các yếu tố như cơ địa, di truyền, các bệnh lý ở đại trực tràng, ung thư đại trực tràng thường do lối sống, sinh hoạt, ăn uống. Ung thư đại tràng và trực tràng phần lớn do lối sống không lành mạnh, béo phì, thiếu hoạt động thể chất, hút thuốc gây ra. Một số nghiên cứu cho rằng thói quen và lối sống của nam giới thường kém lành mạnh hơn nữ giới, thói quen nghiện thuốc lá, uống rượu nhưng lại ít quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ. Đây là lý do khiến xu hướng mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới.
Đây là căn bệnh ung thư phổ biến trong cuộc sống hiện đại (Ảnh minh họa: Internet)
Dấu hiệu, triệu chứng
- Thay đổi thói quen đại tiện.
- Tiêu chảy, thường xuyên có cảm giác đi ngoài không hết.
- Đi ngoài ra máu (đỏ tươi hoặc đen sẫm).
- Khuôn phân nhỏ hơn bình thường.
- Cảm thấy khó chịu khắp bụng (bụng thường bị đau vì trướng hơi, cổ trướng, đầy bụng và/hoặc co thắt).
- Thường xuyên mệt mỏi.
- Có thể chán ăn, buồn nôn.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
Điều trị
Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt căn trong ung thư đại trực tràng. Thông thường việc phẫu thuật nhằm cắt bỏ khối u cùng các hạch lân cận. Sau khi tiến hành phẫu thuật, nếu có di căn hạch, người bệnh buộc phải điều trị hóa trị. Các hóa chất được sử dụng đều giúp giảm tỷ lệ tử vong và tăng thời gian sống thêm cho người bệnh.
Xạ trị được chỉ định đối với ung thư trực tràng đoạn giữa và đoạn thấp, trong trường hợp khối u chiếm hơn một nửa lòng ống trực tràng hoặc dính, xâm lấn tổ chức xung quanh. Xử trí với các trường hợp khối u không cắt bỏ được, cần tiến hành xạ trị với liều xạ cao, đồng thời kết hợp hóa trị với xạ trị.
Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì thời gian sống của bệnh nhân sẽ kéo dài hơn (Ảnh minh họa: Internet)
Khả năng phục hồi sau điều trị ung thư
Nếu bệnh nhân mắc bệnh ung thư đại trực tràng được chẩn đoán sớm và tiếp nhận điều trị phù hợp thì 90% trường hợp sẽ sống được 5 năm. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ giảm xuống nếu ung thư đã di căn hạch hoặc cơ quan khác. Tỉ lệ sống sau 5 năm cho mỗi giai đoạn cụ thể như sau:
Giai đoạn khu trú: 90,4%
Giai đoạn di căn gần: 68,1%
Giai đoạn di căn xa: 9,8%.
Biến chứng có thể xảy ra
Thủng đường ruột: bệnh nhân bị thủng đường ruột thường có những biểu hiện điển hình như cứng cơ bụng, ấn bị đau hoặc đau bụng cấp tính.
Xuất huyết: một hoặc nhiều lần đại tiện ra máu trong thời gian ngắn, ra nhiều máu, làm cho nhịp tim tăng lên, thậm chí dẫn đến sốc, nguy hiểm đến tính mạng.
Tắc nghẽn do khối u: Khối u không ngừng phát triển to hơn, gây hẹp đường ruột, dẫn đến tình trạng sưng ruột, nhiễm trùng, thậm chí nhiễm độc máu.
Phòng ngừa bệnh bằng lối sống lành mạnh
Không dùng quá nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật. Bổ sung thật đầy đủ chất xơ từ trái cây sạch, rau củ tươi, lúa mạch… Những chất này làm loãng chất sinh ung thư trong phân, tăng nhu động ruột, làm giảm thời gian ứ đọng phân, giúp tăng cường phát triển những vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Uống thêm canxi. Bổ sung các loại vitamin A, E và C.
Tích cực vận động, luyện tập thể dục. Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân ung thư ruột giai đoạn III đã được tiến hành phẫu thuật, nếu luyện tập aerobic thường xuyên sẽ giảm nguy cơ tái phát bệnh.
Vân Doãn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!