Khám phá thính giác trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi
Trẻ sử dụng tai để tiếp nhận một lượng lớn thông tin từ thế giới xung quanh. Việc nghe cũng giúp bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ và kích thích sự phát triển não bộ.
Trong thời gian này, thính giác sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp bé học ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Bằng việc nghe, bé sẽ học cách nói hoặc lặp lại những gì cha mẹ hoặc những người xung quanh nói.
Những cột mốc phát triển thính giác
Vào khoảng 6 – 12 tháng tuổi, bé sẽ có thể:
- Tạo ra ngày càng nhiều những âm thanh dễ hiểu, chẳng hạn như “ga”, “ba”, “da”…
- Kết hợp những âm thanh này với nhau để tạo thành những câu và thậm chí có thể nói ra một từ thực sự như “mẹ”.
- Lắng nghe khi người khác nói chuyện với mình và bắt đầu nhận ra các từ phổ biến, chẳng hạn như quả bóng, cốc, bình sữa…
Bé có thể có khả năng:
- Phản ứng khá tốt với tên riêng của mình, và nhìn lên khi bạn nói “Không!”.
- Phản ứng tốt với các yêu cầu đơn giản từ bạn (ví dụ như vẫy chào tạm biệt).
- Có ít nhất một từ đúng trong vốn từ vựng của mình.
- Cố gắng tạo ra những âm bập bẹ khi nói chuyện.
Bạn nên làm gì để giúp bé phát triển thính giác?
Bạn nên thực hiện các gợi ý sau để bảo vệ thính giác của bé:
- Giữ mọi thứ nguy hiểm và sắt nhọn tránh xa tai của bé.
- Luôn giữ bé an toàn và khỏe mạnh để ngăn ngừa các bệnh như nhiễm trùng tai.
- Bảo vệ bé khỏi tiếng ồn quá lớn và kéo dài.
Để giúp bé phát triển, hãy tìm các cách giúp bé tiếp xúc với nhiều loại âm thanh khác nhau. Dưới đây là một số điều bạn có thể làm trong ngày cùng với bé:
- Khám phá âm nhạc. Hãy chọn thể loại nhạc thiếu nhi hoặc những bài hát mà bé yêu thích. Bạn cũng có thể hát cho bé nghe hay chỉ cho bé nghe thấy nhịp điệu tích tắc của một chiếc đồng hồ hẹn giờ và âm thanh của chuông gió.
- Hãy nói chuyện và đọc sách cho bé nghe ngay từ khi bé là một trẻ sơ sinh. Đừng chờ đến khi bé lớn hơn mới làm điều này. Lắng nghe giọng nói của bạn sẽ giúp bé phát triển khả năng lắng nghe nhịp điệu của ngôn ngữ. Trong thực tế, việc bạn thay đổi cao độ giọng nói bằng cách sử dụng âm giọng, ngân nga và phát ra âm thanh sẽ khiến bé thích thú hơn khi trò chuyện cùng bạn. Hơn thế nữa, bạn càng nói chuyện và đọc sách cho bé thì bé sẽ càng học và làm quen thêm nhiều âm thanh và chữ bởi đây chính là giai đoạn bé chuẩn bị tập nói.
Bạn không cần phải nhồi nhét cho bé quá nhiều từ, nhưng nếu bé có vẻ quan tâm, hãy nói cho bé biết bạn đang làm những gì. Ví dụ, nếu bạn đang mặc tã cho bé, hãy mô tả những gì mà bạn đang làm. Khi thay đồ cho bé, hãy gọi tên những màu sắc và kiểu quần áo mà bạn đang mặc cho bé và mô tả chất liệu của chiếc vớ mà bạn đang mang vào chân bé.
Hãy chú ý tới những gì mà bé nghe và bình luận về nó, cho dù đó là tiếng kêu của động cơ máy bay hoặc tiếng rù rù của một con mèo. Việc xác định những gì bé nghe được sẽ giúp bé hiểu hơn về môi trường của mình.
Những điều bạn cần lưu ý
Hãy trò chuyện với bác sĩ hoặc y tá nếu bé đã được 12 tháng tuổi mà vẫn không:
- Nhìn lên khi bạn gọi tên của bé.
- Bắt chước những âm thanh đơn giản như “mama”.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu: Vị giác của trẻ sau 6 tháng tuổi phát triển ra sao?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!