Đây là tình trạng rất thường gặp. Ai trong cuộc đời cũng từng bị khàn tiếng. Tuy nhiên, người bệnh không được chủ quan với dấu hiệu này vì trong một số trường hợp nhất định thì khàn tiếng lại là dấu hiệu sớm của bệnh lý ác tính.
Ai thường xuyên bị khàn tiếng?
Trước tiên, khàn tiếng thường hay gặp ở những người do công việc hoặc thói quen hàng ngày phải nói nhiều như: Ca sĩ, diễn viên, giáo viên, buôn bán, marketing, nghệ sĩ kịch, cải lương... do phát ra âm thanh nhiều, nếu quá mức sẽ gây ra tổn thương dây thanh quản dẫn đến tình trạng khản tiếng, mất tiếng.
Những người sử dụng nhiều chất kích thích như: Rượu, bia, thuốc lá...
Những người mắc các bệnh về đường hô hấp kéo dài như: Viêm họng, viêm thanh quản, viêm xoang... làm cho dây thanh bị viêm nề, xung huyết gây khàn tiếng.
Những người bị viêm dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản... cũng thường hay bị khàn tiếng do dịch acid trào ngược làm viêm nề, xung huyết thanh quản gây ra khàn tiếng.
Khàn tiếng là triệu chứng hay gặp ở những người bị bệnh lý thực thể tại dây thanh như: Hạt xơ, polyp, u nang, rãnh dây thanh...
Tại sao khàn tiếng lại là dấu hiệu sớm của bệnh lý u ác tính?
Có nhiều bệnh lý ác tính gây ra khàn tiếng như: Ung thư thanh quản, ung thư tuyến giáp, ung thư trung thất...
Các bệnh ác tính này thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng, đến khi bệnh ảnh hưởng tới cấu trúc hay sự di động của thanh quản thì mới biểu hiện ra bằng khàn tiếng. Đặc biệt với ung thư thanh quản giai đoạn sớm chỉ có một dấu hiệu duy nhất là khàn tiếng. Dấu hiệu khàn tiếng này có thể kéo dài nhiều tháng rồi mới xuất hiện các dấu hiệu khác như: Khó thở, ho máu, nuốt đau... giống như trong bệnh ung thư tuyến giáp, ung thư trung thất, ung thư đỉnh phổi... Nhiều người bị bệnh mà không hề hay biết gì cho đến khi bị khàn tiếng đi khám mới phát hiện ra bị ung thư gây liệt một bên cơ quan phát âm.
Ung thư thanh quản thường có biểu hiện đầu tiên là khàn tiếng.
Khàn tiếng ở những bệnh nhân có các bệnh lý u ác tính này thường có đặc điểm chung là khàn tiếng liên tục, uống thuốc mãi không hết khàn tiếng, mà khàn tiếng lại ngày càng tăng thêm, nói nhanh mệt, hụt hơi, nói không ra tiếng.
Điều trị khàn tiếng
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây khàn tiếng mà các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị và tư vấn cụ thể cho từng bệnh nhân.
Trước hết, khi bị khàn tiếng bệnh nhân nên hạn chế sử dụng giọng nói, nghỉ ngơi, giữ ấm, uống đủ nước (1,5 đến 2 lít mỗi ngày).
Khi có viêm nhiễm đường hô hấp trên cần đi khám để bác sĩ cho các thuốc nếu cần thiết như: Loãng đờm, giảm viêm, chống phù nề...
Khi có ho, nhiều đờm cần đằng hắng nhẹ nhàng, hạn chế khạc nhổ mạnh làm tăng sự phù nề của thanh quản.
Tập hít thở sâu hàng ngày.
Nếu khàn tiếng dùng thuốc không đỡ bệnh nhân cần được nội soi thanh quản bằng ống soi mềm hoặc optic 70 độ để đánh giá tổn thương tại thanh quản.
Trong trường hợp có các tổn thương lành tính như: Hạt xơ, u nang, polyp... người bệnh sẽ được tư vấn làm phẫu thuật noi soi vi phẫu thanh quản để lấy bỏ tổn thương. Đây là phẫu thuật nhẹ nhàng, đơn giản không phải nằm viện lâu ngày.
Trong trường hợp có những tổn thương ác tính như: Ung thư thanh quản, ung hư hạ họng, ung thư thực quản, ung thư tuyến giáp, ung thư trung thất, ung thư phổi...người bệnh sẽ được tư vấn kiểm tra sâu thêm để đánh giá tình trạng và tìm phương pháp điều trị kịp thời và sớm nhất.
Khi bị khàn tiếng người bệnh nên thực hiện theo các hướng dẫn trên, và nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị cụ thể cho bệnh của mình.
Đặc biệt cần chú ý khi bị khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần, mặc dù đã được khám và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh nên được khám lại bởi các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để chẩn đoán chính xác bệnh, tránh bỏ sót tổn thương u ác tính...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!