Khéo léo cắt cơn 'tam bành' của trẻ

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Trẻ con thường giận dữ, nhõng nhẽo và đòi hỏi một cách vô lý. Trong tình huống này, phụ huynh cần tìm ra nguyên nhân để có cách cư xử thông minh.

Tại các đơn vị Tâm lý của các bệnh viện Nhi ở TP. HCM, không ít ông bố bà mẹ gọi điện hoặc mang con đến nhờ chấn chỉnh tình trạng bướng bỉnh hoặc hay khóc quấy ở chốn công cộng khiến phụ huynh 'ê mặt' với mọi người.

'Chuyện tưởng nhỏ những không phải ai cũng biết cách xử trí. Đơn giản chỉ vì không phải phụ huynh nào cũng biết nguyên nhân khiến trẻ lên cơn tam bành, hoặc nhanh trí tìm cách khiến trẻ nguôi ngoai', một chuyên gia tâm lý nói.

Quan sát và theo dõi sự phát triển thể chất tinh thần của trẻ, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. HCM) và đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của đại học Oxford, Anh quốc tại Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khiến trẻ tức giận thường do trẻ biết nhõng nhẽo, nài nỉ thì sẽ được cái mình muốn. Thế nên hành vi này nhằm mục đích làm bố mẹ chiều theo ý mình. Do vậy phụ huynh cần tỏ thái độ kiên quyết không nhượng bộ với những đòi hỏi vô lý của trẻ. Vậy làm sao để trẻ hết nhõng nhẽo?

Trẻ tức giận để tỏ rõ thái độ yêu ghét của bản thân. Khi gặp trường hợp này cần quan sát để biết những điều làm trẻ thích hoặc trẻ ghét rồi loại bỏ những điều khiến trẻ cảm thấy bực bội. Cách này giúp các bé đỡ bướng bỉnh hơn.

Khéo léo cắt cơn 'tam bành' của trẻ

Phụ huynh cần tỏ thái độ kiên quyết không nhượng bộ với những đòi hỏi vô lý của trẻ

Trẻ cũng có những lúc thấy thất vọng, thấy không an toàn và biểu hiện cảm giác đó thành cơn giận dữ. Chính vì thế, cần tìm hiểu để có cách giúp trẻ. Hãy tìm cách giao tiếp thay vì bắt ép trẻ, chính cách yêu thương uốn nắn dần của người lớn sẽ giúp trẻ dễ chịu hơn.

Trẻ muốn biểu lộ sở thích bản thân nhưng gặp khó khăn nên dễ cảm thấy thất vọng, chán nản dẫn đến bực bội khóc quấy. Khi ấy, cần cho trẻ biết bố mẹ hiểu con đang giận dữ về việc gì, sau đó tìm cách giải quyết cùng trẻ.

Khi trẻ kiếm chuyện khóc quấy, thay vì la mắng, bóp miệng, đánh đập, phụ huynh nên tìm một thứ gì khác để đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ. Ví dụ nhìn ra cửa sổ, hay nhìn một nơi nào khác ở xung quanh và nói với giọng điệu ngạc nhiên, kiểu 'ồ con mèo kìa', 'ôi con thấy không, cái chuông thật dễ thương'...

Kéo trẻ ra khỏi tình huống gây giận dữ cũng là cách khá hiệu quả. Phụ huynh bỏ đi nơi khác, hoặc nếu có hai trẻ đang gây nhau rồi khóc thét thì nên đưa một trong hai bé ra khỏi 'hiện trường'. Một cách khác, tìm cho bé một không gian rộng để bé có thể chạy hoặc la hét. Điều này giúp trẻ biết được rằng người lớn cũng hiểu được bức bối trong người trẻ.

Cơn giận dữ có thể xuất hiện khi trẻ cùng đi dự tiệc hay đi mua sắm cùng người lớn. Chính vì thế cần tìm hiểu xem bé có thích đi cùng không, nếu đi cùng thì bé thích mua gì, ăn gì. Gợi cho bé những điều thú vị trong bữa tiệc hoặc đi mua sắm.

Trường hợp khi đang dự tiệc hoặc đang ở chốn công cộng mà trẻ bỗng dưng 'nổi cơn', cần hỏi trẻ muốn gì, thích gì và điều gì khiến bé khó chịu. Cũng có thể chỉ cho trẻ thấy những bé khác đang ngoan ngoãn để bé ngượng và giảm cơn quậy.

Nếu bé lên cơn tức giận khi đang ở nhà, hãy để trẻ một mình trong một căn phòng và phải nhớ kiểm tra độ an toàn của căn phòng trước khi để bé ở đó. Việc cách ly bé sẽ giúp trẻ mau chóng cảm thấy việc la hét là 'vô nghĩa' từ đó giảm cơn thịnh nộ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!